Phòng viêm phổi do vi khuẩn phế cầu trong mùa hè Leave a comment

Mưa nhiều xen kẽ những ngày nắng nóng gay gắt khiến trẻ nhỏ, người lớn mắc bệnh hô hấp gia tăng, nhiều trường hợp cấp cứu vì bị viêm phổi do phế cầu khuẩn.

Ghi nhận tại khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, thời gian vừa qua, tỷ lệ các ca viêm phổi nặng nằm viện điều trị tăng khoảng 20% so với trước khi vào hè. Anh Phan Vĩnh Yên (Ba Đình, Hà Nội) cho biết bố của anh 65 tuổi, đã điều trị hơn 2 tuần. Ông nhập viện sau 4 ngày khó thở và ho nhiều, sưng phù hai chân. Các bác sĩ phát hiện ông bị viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi phải. Xét nghiệm máu và nước tiểu cho thấy ông bị viêm phổi do vi khuẩn phế cầu.

“Một tháng trước đó, bố mắc Covid-19 nên cả nhà nghĩ có thể khó thở là di chứng hậu Covid-19. Hơn nữa, chỉ có 2 ngày ông bị sốt cao nên không ai nghĩ là ông bị viêm phổi nặng và nguy hiểm đến tính mạng như vậy.”, anh Yên chia sẻ.





Tiêm vaccine ngừa phế cầu tại VNVC bảo vệ người lớn tuổi trước nguy cơ cao bị viêm phổi và viêm màng não. Ảnh: Mỹ Ngọc

Tiêm vaccine phế cầu tại VNVC bảo vệ người lớn tuổi trước nguy cơ cao bị viêm phổi và viêm màng não. Ảnh: Mỹ Ngọc

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, từ đầu tháng 6, cũng ghi nhận số lượng trẻ em đến khám về các bệnh hô hấp tăng từ 50 – 70% so với tháng 4, nhiều nhất là viêm tiểu phế quản, nguy cơ cao dẫn đến viêm phổi. Bên cạnh đó, tình hình trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng tăng cao so với cùng kỳ.

Trong khi đó, một số bệnh viện khác ở TP HCM ghi nhận tỷ lệ trẻ mắc viêm phổi, viêm tiểu phế quản trong tháng 5/2022 tăng mạnh, cao hơn so với trung bình trong 5 năm qua. Các bác sĩ dự đoán tỷ lệ viêm phổi có khuynh hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tại Hà Nội, các bệnh viện nhi tiếp nhận trung bình khoảng 200 lượt trẻ khám các bệnh đường hô hấp mỗi ngày, trong đó có khoảng 30 ca viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

Ths.BS. Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phân tích, nhiều người chỉ chú ý viêm phổi xảy ra vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, mưa kéo dài hơn một tháng qua, xen kẽ những ngày nắng gắt khiến các bệnh hô hấp, nhất là viêm phổi gia tăng.

“Mưa nhiều khiến nhiệt độ xuống thấp, vi khuẩn, virus dễ phát triển và tồn tại lâu hơn trong cơ thể chúng ta. Ngoài ra, do sợ mưa gió, người dân hay đóng kín cửa khiến không khí không lưu thông tốt, virus và vi khuẩn không bị đẩy ra ngoài để bị tiêu diệt. Trong mùa mưa, trẻ em cũng dễ bị bệnh hơn người lớn vì đường thở của trẻ ngắn nên nhịp thở sẽ nhiều hơn người lớn trong khi những lông chuyển trong đường hô hấp có chức năng ngăn virus, vi khuẩn cũng chưa thật sự hoạt động tốt”, BS. Thoa lý giải thêm.

Tăng cường bảo vệ phổi khi thời tiết thất thường

Theo BS. Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae và vi khuẩn Hib là 2 tác nhân phổ biến nhất của viêm phổi do vi khuẩn; virus cúm là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phổi do virus. Vi khuẩn phế cầu đặc biệt nguy hiểm ở 3 nhóm tuổi chính: trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người trên 60 tuổi và người có bệnh nền như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Theo thống kê của CDC Mỹ, 1 trong 20 người bị viêm phổi do phế cầu sẽ tử vong. Các biến chứng của viêm phổi có thể dẫn đến viêm màng ngoài tim, phù thũng, xẹp phổi, tụ mủ trong phổi. Tỷ lệ tử vong này cao hơn khi bị viêm màng não do phế cầu khuẩn (1 trong 6 người lớn và 1 trong 12 trẻ em tử vong). Những trường hợp sống sót phải gánh chịu di chứng lâu dài như đoạn chi do nhiễm trùng huyết; bị điếc hay chậm phát triển tâm thần do tổn thương não; nhiễm trùng tai; viêm xoang…

Bình thường, vi khuẩn phế cầu và Hib là những vi khuẩn ký sinh, cư trú ở đường hô hấp trên không gây bệnh. Khi sức đề kháng ở những đối tượng nguy cơ như trẻ em và người cao tuổi bị suy giảm kết hợp với niêm mạc dẫn khí bị tổn thương sau một đợt viêm đường hô hấp trên, những vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập và tấn công vào phổi. Việc này dẫn đến viêm phổi nặng, khiến bệnh nhân bị suy hô hấp, có thể phải thở máy hoặc gây ra viêm màng não, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.

BS. Chính cho biết để bảo vệ phổi, cần phải phòng ngừa sự xâm nhập của các tác nhân nguy hiểm như vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn Hib và virus cúm. Hiện có một số loại vaccine có thể phòng ngừa nguy cơ này tại Việt Nam như vaccine Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ) ngừa phế cầu khuẩn gây ra các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm tai giữa ở trẻ em và người lớn, đặc biệt ở người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu.

Ngoài ra, vaccine cúm thế hệ mới và các vaccine như 5 trong 1, 6 trong 1, vaccine Quimi-Hib ngừa vi khuẩn Hib, vaccine Boostrix và Adacel ngừa ho gà – bạch hầu – uốn ván cũng có thể phòng viêm phổi và biến chứng nguy hiểm của viêm phổi.





Vi khuẩn phế cầu có thể xâm nhập và gây bệnh nặng cho trẻ và người lớn với nhiều biến chứng và di chứng kéo dài. Ảnh: Minh Ngọc

Vi khuẩn phế cầu có thể xâm nhập và gây bệnh nặng cho trẻ và người lớn với nhiều biến chứng và di chứng kéo dài. Ảnh: Minh Ngọc

“Sẽ rất khó để chúng ta sống trong một môi trường hoàn toàn không bị nhiễm khuẩn cũng như không tiếp xúc với người bệnh. Vaccine chính là phát minh để bảo vệ con người khỏi dịch bệnh. Ngoài tiêm vaccine ngừa các bệnh hô hấp, mỗi người cần tăng sức đề kháng bằng cách uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất và vận động thể thao”, BS. Chính lưu ý.

Các chuyên gia khuyến nghị một số nhóm thực phẩm tốt cho phổi bao gồm: rau họ cải; thực phẩm giàu carotene (cà rốt); thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 (các loại cá, hạt dinh dưỡng); thực phẩm chứa nhiều folate (rau chân vịt, củ cải, đậu); thực phẩm chứa nhiều vitamin C.

Một số bài tập như đi bộ, chạy bộ, đạp xe hay bơi lội sẽ rất tốt cho phổi. Nhưng với bệnh nhân bị bệnh phổi mạn tính, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ tập luyện phù hợp. Người dân cũng nên có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng mỗi lần để theo dõi sức khỏe tốt nhất.

Theo PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh – Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, người dân đang rất chủ quan với các bệnh như viêm mũi họng, viêm amidan vì xem đây là bệnh tự khỏi. Về lý thuyết, viêm đường hô hấp trên ít ảnh hưởng đến chức năng thở nhưng khi không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, rất dễ dẫn đến viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, viêm phổi khiến hơn 740.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vào năm 2019, chiếm 22% tổng số ca tử vong của nhóm trẻ 1-5 tuổi. Viêm phổi cũng khiến 25% những người trên 65 tuổi tử vong. Thống kê của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ vào năm 2020 cho biết viêm phổi kết hợp với cúm đứng thứ 9 trong danh sách nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở quốc gia này.

Để giải đáp những thắc mắc của người dân về các bệnh hô hấp đang gia tăng hiện nay cũng như thông tin về các loại vaccine, lúc 20 giờ thứ 6 ngày 10/6/2022, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp với Báo điện tử VnExpress tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Vaccine phế cầu và các vaccine cần thiết cho trẻ em và người lớn giai đoạn giao mùa”. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia như PGS.TS.BS. Chu Thị Hạnh – Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; Ths.BS. Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM; BS. Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa VNVC.
Bạn đọc có thể đón xem và gửi các thắc mắc về chương trình tại đây.

Hiếu Nguyễn

Trả lời