Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang làm sao có thai? Leave a comment

Hầu hết phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể thụ thai nhờ thay đổi lối sống và dùng thuốc, nhưng một số người phải thụ tinh nhân tạo.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở nữ giới, ảnh hưởng 7-10% phụ nữ trong độ tuổi mang thai. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính hơn 116 triệu phụ nữ toàn cầu bị buồng trứng đa nang.

Tuy nhiên, phụ nữ mắc PCOS vẫn có thể mang thai nhờ các phương pháp điều trị khả năng sinh sản từ đơn giản như giảm cân, dùng thuốc điều trị đến phức tạp hơn như thụ tinh trong ống nghiệm.

Giảm cân

Nhiều phụ nữ mắc PCOS vật lộn với chứng béo phì. Điều này là do PCOS ảnh hưởng tiêu cực đến cách cơ thể điều tiết insulin, dẫn tới gây tăng cân.

Một trong những lý do chính khiến phụ nữ mắc PCOS không thể thụ thai là họ không rụng trứng hoặc không rụng trứng thường xuyên. Phụ nữ bị PCOS thừa cân có nhiều khả năng bị rối loạn rụng trứng nghiêm trọng hơn. Tình trạng không rụng trứng ở những người này có thể kéo dài nhiều tháng.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giảm cân có thể giúp họ rụng trứng trở lại. Theo đó, người béo phì chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể hiện tại là đủ để có kinh nguyệt. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những phụ nữ giảm cân có cơ hội điều trị hiếm muộn thành công hơn.

Chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng đối với phụ nữ bị PCOS. Một số nghiên cứu cho rằng chế độ ăn ít tinh bột là tốt nhất cho người bị PCOS. Điều quan trọng là đảm bảo chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, đủ chất đạm và ít đường. Tránh đồ ăn vặt và thực phẩm chế biến sẵn. Hãy ăn bữa sáng nhiều hơn và bữa tối ít hơn.

Bổ sung rau xanh, ưu tiên tinh bột chuyển hóa chậm như ngũ cốc nguyên hạt. Nếu ăn đồ ngọt hoặc thực phẩm nhiều tinh bột, hãy kết hợp nó với chất béo lành mạnh (bơ, dầu ô liu, các loại hạt) hoặc protein để làm chậm lượng đường tăng đột biến.

Tập thể dục thường xuyên cũng được chứng minh là có thể giúp giảm các triệu chứng PCOS. Theo một nghiên cứu, sự kết hợp giữa đi bộ thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh hơn cải thiện chu kỳ kinh nguyệt đều đặn lên tới 50%. Lối sống lành mạnh cũng giúp các phương pháp điều trị khả năng sinh sản hiệu quả hơn và chắc chắn giúp nâng cao sức khỏe tổng thể.





Phụ nữ mắc PCOS vẫn có thể mang thai nhờ các phương pháp điều trị khả năng sinh sản. Ảnh: Bumpboxes

Phụ nữ mắc PCOS vẫn có thể mang thai nhờ các phương pháp điều trị khả năng sinh sản. Ảnh: Bumpboxes

Thuốc điều trị

Phụ nữ bị buồng trứng đa nang thường dùng các loại thuốc dưới đây để điều trị tình trạng này và hỗ trợ thụ thai.

Metformin: thuốc tiểu đường metformin có thể điều trị tình trạng kháng insulin, giúp giảm cân và thụ thai. Metformin đôi khi được kê cho những người bị PCOS ngay cả khi họ không thực sự kháng insulin. Theo nghiên cứu, metformin có thể thúc đẩy giảm cân, khởi động lại chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, cải thiện hiệu quả của một số loại thuốc hỗ trợ sinh sản, giảm tỷ lệ sẩy thai (ở những người bị sẩy thai nhiều lần).

Clomid: Nhìn chung, đây là loại thuốc hỗ trợ sinh sản được sử dụng phổ biến nhất và cũng là phương pháp điều trị thường được sử dụng nhất cho phụ nữ mắc PCOS. Tuy nhiên, một số phụ nữ bị PCOS kháng Clomid, khiến thuốc không kích hoạt quá trình rụng trứng như mong đợi. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự kết hợp giữa Metformin và Clomid có thể giúp đánh bại tình trạng kháng thuốc Clomid.

Letrozole: Đây không phải là một loại thuốc hỗ trợ sinh sản nhưng thường được sử dụng như một loại thuốc ở phụ nữ bị PCOS. Letrozole thực chất là thuốc điều trị ung thư. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nó có thể hiệu quả hơn Clomid trong việc kích thích rụng trứng ở phụ nữ bị PCOS.

Gonadotropins: Gonadotropin được tạo ra từ các hormone FSH, LH hoặc sự kết hợp của cả hai. Một trong những rủi ro của Gonadotropins là hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS). Đây là khi buồng trứng phản ứng quá mức với thuốc hỗ trợ sinh sản, nếu không được điều trị có thể gây nguy hiểm. Phụ nữ bị PCOS có nguy cơ phát triển OHSS.

Các thủ thuật hỗ trợ sinh sản

Nếu dùng thuốc điều trị không thành công, phụ nữ bị buồng trứng đa nang có thể được chỉ định làm các thủ thuật như IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) hoặc IVM (trưởng thành trứng non trong ống nghiệm).

IVF sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản dạng tiêm để kích thích buồng trứng cung cấp một số lượng trứng trưởng thành có chất lượng tốt. Những quả trứng sau đó được thụ tinh cùng tinh trùng rồi chuyển vào tử cung của người phụ nữ. Thủ tục này được gọi là chuyển phôi. Hai tuần sau, bác sĩ sẽ yêu cầu người phụ nữ thử thai để xem chu kỳ đã thành công hay chưa. Cũng như khi chỉ điều trị bằng Gonadotropin, một trong những rủi ro của IVF, đặc biệt ở phụ nữ bị PCOS, là kích thích buồng trứng quá mức.

Trong khi đó, thay vì dùng liều cao các loại thuốc hỗ trợ sinh sản để buộc buồng trứng trưởng thành nhiều trứng, với IVM, phụ nữ sẽ không tiếp nhận thuốc hỗ trợ sinh sản hoặc với liều lượng rất thấp. Bác sĩ sẽ lấy trứng chưa trưởng thành từ buồng trứng và sau đó làm trưởng thành những trứng này trong phòng thí nghiệm.

Hiếm khi phụ nữ mắc PCOS cần người hiến trứng, trừ khi có thêm các vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản, chẳng hạn như độ tuổi cao. Tuy nhiên, những phụ nữ đã làm các thủ thuật như cắt bỏ góc buồng trứng để điều trị PCOS có thể có dự trữ buồng trứng thấp hơn. Trong trường hợp này, họ cần một người hiến trứng để thụ tinh nhân tạo. Đây là lý do khiến việc phẫu thuật cho người bị PCOS không được khuyến khích.

Anh Ngọc (Theo Very Well Family)

Trả lời