Robot đánh giá dây chằng đầu tiên tại Việt Nam Leave a comment

Robot đánh giá tổn thương gối và dây chằng hiện đại lần đầu có mặt tại Việt Nam khi được BVĐK Tâm Anh TP HCM áp dụng vào thăm khám và điều trị.

Theo Thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đây là thiết bị đầu tiên trên thế giới phân tích tổn thương dây chằng gối ra đời dựa trên sự tích hợp nghiệm pháp kiểm tra Lachman và kiểm tra xoay gối, có độ đặc hiệu đạt 98,1% và độ nhạy là 92,2%… tạo ra bước đột phá trong đánh giá đầu gối tự động. Thiết bị có khả năng đánh giá dây chằng chéo khi xoay và dịch chuyển; đồng thời đánh giá xương chày động, mang đến một tiêu chuẩn mới trong việc đánh giá tổn thương dây chằng khớp gối, cải thiện chẩn đoán và tiên lượng điều trị.

Nhờ công nghệ AI, robot ghi nhận, kiểm tra và đánh giá tình trạng sức khỏe dây chằng, khớp gối của các vận động viên. Kết quả lượng giá này đặc biệt có ý nghĩa trong chuyển nhượng cầu thủ, khi các CLB thể thao chuyên nghiệp cần nắm được các kết quả chính xác và thể trạng cầu thủ trước khi bước vào mùa giải.

Trong các trường hợp người bệnh nghi ngờ có chấn thương dây chằng, thiết bị đánh giá được mức độ tổn thương. Theo đó, bác sĩ quyết định phương án điều trị phù hợp và hiệu quả, đảm bảo được thời gian phục hồi nhanh. Người bệnh cũng có thể nhận được kết quả, đánh giá sau phẫu thuật. Các chuyên gia về phục hồi chức năng cũng theo dõi mức độ hồi phục theo thời gian, chỉ định bài tập phục hồi và cường độ, khối lượng tập luyện đúng thời điểm, tối đa hóa sự ổn định đầu gối. Tất cả, đều vì một mục tiêu giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi, đặc biệt là với giới thể thao chuyên nghiệp mong muốn quay lại phong độ.

Bác sĩ Trần Anh Vũ cho biết đây là một thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới trong Y học thể thao, thường được trang bị tại các phòng khám chuyên khoa hàng đầu thế giới nhằm để lượng giá sức cơ của vận động viên chuyên nghiệp. Trên trang web chính thức của CLB Juventus và fanpage của CLB Barcelona từng đăng hình ảnh các cầu thủ sử dụng thiết bị này trong việc đánh giá sức khỏe của khớp gối, cụ thể là dây chằng chéo trước… Tại hội nghị ESSKA 2022 với chủ đề Chỉnh hình và Chấn thương thể thao tại Paris, Pháp tháng 4/2022, thiết bị này cũng được trưng bày.





Cầu thủ CLB Barcelona được đánh giá sức khỏe của khớp gối bằng robot lượng giá dây chằng. Ảnh: FC Barcelona

Cầu thủ CLB Barcelona được đánh giá sức khỏe của khớp gối bằng robot lượng giá dây chằng. Ảnh: FC Barcelona

Bác sĩ Philippe Colombet, Chủ tịch Hiệp hội Nội soi khớp Pháp, khẳng định: “Đánh giá mức độ lỏng khớp gối nên được tích hợp đầy đủ vào việc quản lý rách dây chằng chéo trước, nhằm tối ưu hóa việc tiếp tục các hoạt động thể thao thông thường hoặc thể thao chuyên nghiệp”.

Sau khi đưa công nghệ cấy ghép dây chằng nhân tạo áp dụng đầu tiên tại Việt Nam, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã đầu tư và cập nhật công nghệ mới trên để hoàn chỉnh mô hình chuyên biệt cho y học thể thao bao gồm: lượng giá, điều trị và phục hồi chức năng sau phẫu thuật các chấn thương thể thao.

“Với thiết bị robot lượng giá dây chằng này, BVĐK Tâm Anh có thêm công nghệ, để đánh giá sức khỏe dây chằng hiện đại nhất, lượng giá chất lượng vận động viên một cách chính xác và khoa học”, bác sĩ Anh Vũ nhấn mạnh.





Tiền vệ Abdoul Rahim (CLB Bình Định) khám sức khỏe dây chằng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh T5/2022. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Tiền vệ Abdoul Rahim (CLB Bình Định) khám sức khỏe dây chằng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vào tháng 5/2022. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Theo bác sĩ Anh Vũ, trước khi có robot lượng giá dây chằng, để xác định tình trạng tổn thương dây chằng, chuyên gia thường dựa trên triệu chứng cơ năng và lâm sàng của vận động viên. Tuy các biện pháp này được đánh giá là những bài kiểm tra cấp cao của dây chằng với độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhưng mỗi nghiệm pháp đều có hạn chế.

Đứt (rách) dây chằng là chấn thương phổ biến nhất trong thể thao đặc biệt ở các bộ môn có tính đối kháng và xoay chuyển đột ngột như bóng đá, bóng rổ, võ thuật… Việc điều trị đứt rách dây chằng hiện nay đòi hỏi tính hiệu quả, thời gian phục hồi nhanh và đặc biệt là giúp khả năng quay trở lại với thể thao thành tích cao.

“Khi ngành thể thao chuyên nghiệp phát triển, đòi hỏi chuyên môn và trang thiết bị của y học thể thao cần được đầu tư tương xứng. Với thiết bị robot mới này, không chỉ giúp các bác sĩ làm tốt công việc điều trị, mà các câu lạc bộ thể thao có thể lượng giá chất lượng cầu thủ định kỳ, chuyển nhượng một cách chính xác và minh bạch”, bác sĩ Anh Vũ cho biết thêm.

Anh Thái

Trả lời