​Rối loạn kinh nguyệt sau khi mắc Covid-19 Leave a comment

Kinh nguyệt không đều, sự xuất hiện của những cục máu đông… là tình trạng nhiều phụ nữ gặp phải sau khi mắc Covid-19.

Nhiều người sau khi mắc Covid-19, cho biết, họ đã trải qua chu kỳ kinh nguyệt không đều, máu kinh bị đông bất thường hoặc hội chứng tiền kinh nguyệt (bao gồm các triệu chứng thể chất và cảm xúc) trở nên tồi tệ hơn.

Julia (40 tuổi) mắc Covid-19 vào tháng 3. Hai tháng sau, cô bị mất kinh. Tháng sau đó, chu kỳ của cô quay trở lại nhưng thất thường, kéo dài hơn rất nhiều. Cô còn nhận thấy sự gia tăng của những cục máu đông trong chu kỳ kinh nguyệt sau 3 tháng nhiễm bệnh.

Louise cũng có một trải nghiệm tương tự. Các chu kỳ không đều đặn như trước, chúng thay đổi từ 24 đến 28 ngày. Cô thậm chí nhận thấy những cục máu đông lớn. Louise cũng nhận thấy sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng Covid kéo dài vào khoảng thời gian mà cô ấy có kinh. Cụ thể, một tuần trước kỳ kinh, Louise sẽ tái tái phát một số triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi và khó thở hơn.





Nhiều chị em gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19. Ảnh: Freepik

Nhiều chị em gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19. Ảnh: Freepik

Hầu hết những người đã chia sẻ với Medical News Today cho biết, những thay đổi trong kỳ kinh đã ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Điều này thậm chí khiến họ nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc bên cạnh những triệu chứng suy nhược trước các kỳ kinh. Một số cho biết, tình trạng rối loạn kinh nguyệt cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của các bệnh khác mà họ gặp phải như bệnh thiếu máu, biến chứng tim mạch…

Tiến sĩ Linda Fan, Giám đốc Chất lượng và An toàn Phụ khoa tại trường Y Yale ở New Haven, CT cho biết: “Virus có thể tấn công trực tiếp vào chức năng buồng trứng dựa trên một số tác động lên các cơ quan khác. Các nghiên cứu tại trung tâm thương mại ở Trung Quốc năm nay đã tiết lộ rằng 25% những người bị Covid có kinh nguyệt thay đổi. Những điều này dường như trở lại mức ban đầu sau khi người đó hồi phục và không có gì cho thấy những thay đổi trong khả năng sinh sản”.

Những thay đổi đối với chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những người đã từng bị Covid-19.

Trước đó, theo một nghiên cứu được công bố trên Reproduction BioMedicine Online vào tháng 1/2021, trong số 177 cá nhân mắc Covid-19, 45 người (25%) có sự thay đổi về lượng máu kinh và 50 người (28%) thấy chu kỳ kinh nguyệt thay đổi như lượng máu ra ít hơn hoặc thời gian kinh kéo dài hơn.

Theo một báo cáo được công bố trên MedPage Today, rối loạn kinh nguyệt là hệ quả của quá trình căng thẳng trong đại dịch. Taraneh Shirazian, Giám đốc Sức khỏe phụ nữ toàn cầu và là trợ lý giáo sư sản phụ khoa tại NYU Langone Health ở New York, cho biết, người mắc Covid thường gặp tình trạng căng thẳng trên trục tuyến yên, vùng dưới đồi (HPA)- là hệ thống phản ứng căng thẳng trung tâm của cơ thể.

“Trong thời gian căng thẳng, trục HPA kích thích giải phóng hormone căng thẳng cortisol để giúp cơ thể chuẩn bị chiến đấu hoặc chạy trốn khỏi mối đe dọa. Với tình trạng căng thẳng liên tục, nồng độ cortisol tăng lên có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ,” Tiến sĩ Shirazian nói.

Ngoài ra, với thời gian căng thẳng kéo dài, hệ thống phản ứng với căng thẳng có thể bị kiệt sức và trục HPA có thể bị ức chế. Điều này thúc đẩy tuyến yên sản xuất các hormone kích thích nang trứng và hoàng thể hóa (FSH và LH), sau đó làm giảm sản xuất buồng trứng estrogen và progesterone.

Khi trục HPA bị ức chế hoàn toàn, phụ nữ có thể bị vô kinh, không có kinh. Với sự kìm hãm một phần, một phụ nữ có thể có kinh nguyệt không đều hoặc ra máu vài tuần một lần.

Theo các chuyên gia, những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc mất kinh một hai lần sau khi mắc Covid- 19 không đáng lo ngại. Người bệnh có thể chia sẻ với bác sĩ để tìm ra phương pháp cân bằng hoặc điều trị nội tiết tố phù hợp khi cần thiết.

Anh Tú (theo MNT, Everyday Health)

Trả lời