Rối loạn tiền đình khiến trẻ học tập kém Leave a comment

Rối loạn tiền đình ảnh hưởng đến tâm lý, khả năng vận động, khiến trẻ khó tập trung dẫn đến suy giảm khả năng học tập.

Đưa con gái 15 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám, chị Nguyễn Thanh Thủy (quận Phú Nhuận) cho biết, bé thường xuyên bị chóng mặt, đau đầu dẫn đến tập trung kém, hay quên. Lúc đầu chị chỉ nghĩ bé bị hội chứng sau khi khỏi Covid-19, một thời gian sẽ hết. Thế nhưng đã 3 tháng qua, tình trạng không thuyên giảm và bé sắp bước vào kỳ thi cuối cấp nên chị lo lắng đưa bé đi bác sĩ.

Bé được thăm khám, kiểm tra, loại trừ các nguyên nhân do bệnh lý mũi, xoang, đo chức năng tiền đình bằng công nghệ ảnh động nhãn đồ (VNG). BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, cho biết, bé bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính – một dạng rối loạn hệ thống tiền đình.

Theo bác sĩ Hằng, hệ thống tiền đình, cơ quan thụ cảm và tiểu não chịu trách nhiệm về các chức năng như trương lực cơ, tư thế, thăng bằng, phối hợp vận động mắt và định hướng không gian. Hệ thống này nằm trong tai trong, bao gồm ba phần là các ống bán khuyên, soan nang và cầu nang. Chúng phối hợp cùng nhau gửi tín hiệu đến não để giúp cơ thể duy trì tư thế và sự cân bằng.

Trong khi đó, học tập là một quá trình phức tạp, được cấu trúc từ các kỹ năng vận động và nhận thức. Những kỹ năng, nhận thức của chúng ta chịu sự chi phối mạnh mẽ từ hệ thống tiền đình. Nếu xảy ra rối loạn trong các khu vực cụ thể của hệ thống thần kinh trung ương liên quan đến các khái niệm về sơ đồ cơ thể, không gian, thời gian sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động tri giác, cảm giác và có thể dẫn đến suy giảm khả năng học tập.

Trong một khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia năm 2012 về mối liên hệ giữa chóng mặt, tình trạng nhận thức và tâm thần ở trẻ em Mỹ, một nhóm nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích 10.820 trẻ em 3-17 tuổi. Kết quả, trẻ bị chóng mặt có tỷ lệ rối loạn thiếu tập trung cao hơn đáng kể, cùng với tình trạng học tập kém, chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ và có nhiều khả năng phải sử dụng các dịch vụ giáo dục đặc biệt. Trẻ em bị chóng mặt cũng có tỷ lệ gặp khó khăn với cảm xúc, sự tập trung hoặc hành vi và khả năng chú ý kém cao hơn.





Rối loạn tiền đình khiến trẻ thường xuyên chóng mặt, đau đầu. Ảnh: Shutterstock

Rối loạn tiền đình khiến trẻ thường xuyên chóng mặt, đau đầu. Ảnh: Shutterstock

Phát hiện sớm rối loạn tiền đình ở trẻ em

Xác định sớm bệnh tiền đình ở trẻ em và điều trị căn nguyên là điều quan trọng ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến sự phát triển vận động và tiếp thu ngôn ngữ.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng khuyến nghị, trẻ em có các triệu chứng chóng mặt có thể kèm buồn nôn, hay bị đau nửa đầu kéo dài khoảng 10 phút, mất cân bằng, thường xuyên té ngã, không dung nạp chuyển động, các mốc quan trọng của động cơ bị trễ, chuyển động mắt bất thường, khó điều hướng trong bóng tối hoặc trên các bề mặt không bằng phẳng… đều nên làm kiểm tra rối loạn tiền đình. Các kiểm tra chức năng tiền đình bao gồm siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống để xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch; chụp CT-Scanner sọ não, MRI sọ não để tìm các tổn thương như u góc cầu tiểu não, TBMM não; đo chức năng tiền đình bằng ảnh động nhãn đồ (VNG).





Trẻ khám tai mũi họng, kiểm tra chức năng tiền đình tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Trẻ khám tai mũi họng, kiểm tra chức năng tiền đình tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Hằng chia sẻ thêm, hệ thống đo ảnh động nhãn đồ (VNG) có thể kiểm tra các bất thường ở chuyển động mắt và đưa ra chẩn đoán về nguyên nhân gây tổn thương tiền đình. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sở hữu hệ thống đo ảnh động nhãn đồ cho hiệu quả cao trong chẩn đoán và có thể kết hợp với máy tập phục hồi chức năng tiền đình, xây dựng các phác đồ tập phục hồi chuyên biệt.

Về điều trị rối loạn tiền đình ở trẻ em, bác sĩ Hằng cho biết, tùy thuộc vào từng nguyên nhân bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể. Tuy nhiên cơ bản các phương pháp chủ yếu là phục hồi chức năng tiền đình; các nghiệm pháp tái định vị sỏi tai, dùng thuốc kê đơn và can thiệp phẫu thuật.

“Rối loạn tiền đình có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Những triệu chứng của bệnh có thể gây ra rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới khả năng vận động, nhận thức, làm chậm quá trình phát triển và khiến trẻ học tập kém. Do đó, các phụ huynh cần chú ý tới các biểu hiện của trẻ và đưa con đến bệnh viện thăm khám nhằm chẩn đoán và điều trị kịp thời. Từ đó, trẻ có thể phục hồi chức năng tiền đình để ổn định tâm lý và khả năng học tập”, bác sĩ Hằng khuyên.

Nguyên Phương

Trả lời