Sai lầm khiến trẻ nguy kịch vì tiêu chảy cấp Leave a comment

Trì hoãn chủng ngừa, cầm tiêu chảy bằng mẹo, tự truyền dịch cho trẻ tại nhà… là những sai lầm phổ biến khiến trẻ suy kiệt vì tiêu chảy cấp.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết, tiêu chảy cấp là bệnh phổ biến tại Việt Nam, nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nhiều tác nhân gây bệnh, trong đó Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp nặng ở trẻ nhỏ.

Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch, tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Chủ quan, trì hoãn chủng ngừa

Tiêu chảy cấp là tình trạng đi cầu nhiều lần trong ngày (trên 4 lần), phân tóe nước, có chứa nhớt, có hạt lợn cợn, màu lạ (trắng, xanh, nâu sậm). Bệnh có thể khiến trẻ són phân liên tục, kèm theo triệu chứng nôn ói nhiều, mất nước, điện giải, suy thận cấp.

Trẻ mắc tiêu chảy cấp tử vong phần lớn là do mất nước, mất điện giải, suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng, tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng. Khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại có nguy cơ bị tiêu chảy cao, gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng, gánh nặng về kinh tế đối với gia đình, xã hội.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ mới đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêm vaccine bảo vệ trẻ dưới 1 tuổi trước 11 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại vaccine khác cần được chủng ngừa để bảo vệ trẻ trước những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là vaccine phòng Rotavirus gây tiêu chảy cấp.

Trẻ uống vaccine phòng Rotavirus cần hoàn thành phác đồ trước 8 tháng tuổi hoặc 6 tháng tuổi, không có thuốc chủng ngừa cho trẻ trên 8 tháng tuổi, người lớn. Do đó các chuyên gia y tế khuyên các bậc phụ huynh nên chủng ngừa Rotavirus cho trẻ sớm ngay khi đủ tuổi chủng ngừa, đúng lịch. Trì hoãn chủng ngừa sẽ khiến bé không được bảo vệ trong giai đoạn đầu đời, tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp, suy dinh dưỡng, mất nước hoặc tử vong nếu không điều trị kịp thời, bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Chính, việc chủng ngừa vaccine phòng Rotavirus cho trẻ cần đúng phác đồ, đúng liều lượng. Việt Nam đang triển khai chủng ngừa 3 loại vaccine phòng Rotavirus cho trẻ bắt đầu từ 6 tuần tuổi, theo phác đồ uống 2 hoặc 3 liều.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có gần 1,7 tỷ trẻ em mắc bệnh tiêu chảy, trong đó hơn 500 nghìn trẻ tử vong. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ghi nhận, trước khi có vaccine phòng Rotavirus tại Mỹ vào năm 2006, hàng năm, căn bệnh này đã khiến hơn 400.000 trẻ mắc bệnh và 200.000 trẻ phải nhập viện cấp cứu, 60 ca tử vong hàng năm ở trẻ em dưới 5 tuổi. Kể từ khi có vaccine phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus, số ca nhập viện và tử vong do bệnh này đã giảm đáng kể.





Trẻ nhỏ chủng ngừa vaccine ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus. Ảnh: Minh Ngọc

Trẻ nhỏ chủng ngừa vaccine ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus. Ảnh: Minh Ngọc

Tự ý mua thuốc cho trẻ, chữa bằng mẹo dân gian

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ, bên cạnh việc bỏ lỡ độ tuổi chủng ngừa khiến trẻ đối mặt với nguy cơ mắc tiêu chảy cấp thì chăm sóc, điều trị sai cách cũng khiến tình trạng tiêu chảy cấp nguy kịch hơn.

Theo bác sĩ Kim Thoa, phụ huynh thường gặp một số sai lầm khi chăm sóc và điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ như tự ý cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy hoặc uống kháng sinh khi chưa rõ căn nguyên, chưa có chỉ định của bác sĩ. Bố mẹ tự điều trị cho trẻ bằng một số mẹo dân gian như ăn lá ổi non, uống nước gạo và cà rốt rang, uống nước hồng xiêm xanh, nụ sim, lá mơ, cỏ sữa… Ngoài ra, việc tự truyền dịch tại nhà cho trẻ hay kiêng khem quá mức khiến trẻ bị suy dinh dưỡng thể trạng kém, gây nên vòng xoắn bệnh lý, về sau ảnh hưởng đến sự phát triển của thể chất, trí tuệ.

Trẻ bị tiêu chảy cấp trong tình trạng nhẹ có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên phụ huynh cần nắm vững những kiến thức, kỹ năng chăm sóc, điều trị cho trẻ. Phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, uống dung dịch oresol để bù nước. Cha mẹ theo dõi sát việc đi cầu của trẻ bao gồm số lần đi cầu, tình trạng phân, số lượng phân mỗi lần, biểu hiện của trẻ. Gia đình quan sát trẻ cẩn trọng để có thể phát hiện các dấu hiệu mất nước ở trẻ: khát nước, khô môi, miệng, lưỡi và da, mắt trũng sâu, khóc không ra nước mắt, giảm tần suất đi tiểu (hoặc ít tã ướt hơn ở trẻ sơ sinh), kích thích, quấy khóc… Lúc này, cần cho trẻ nhập viện để điều trị. Bác sĩ sẽ truyền dịch qua đường tĩnh mạch để giúp ngăn ngừa biến chứng đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám, điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm khi trẻ nôn nhiều lần (4 lần/ngày hoặc 6 lần trong 4 giờ); phân có nhầy máu, mùi tanh; trẻ không uống được, uống vào là nôn; trẻ có môi khô, sốt cao, mặt tái nhợt, người lả đi; trẻ sơ sinh sờ thóp lõm, không bú được; trẻ khóc không ra nước mắt, mắt trũng, nếp véo da ở bụng mất chậm; trẻ gọi hỏi không đáp ứng…

Hiện nay, không có bất kỳ loại thuốc điều trị đặc hiệu đối với Rotavirus, bao gồm cả thuốc kháng virus, hay kháng sinh. Khi trẻ mắc phải bệnh, nhập viện, các bác sĩ sẽ điều trị triệu chứng như bù dịch bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, hạ sốt, dinh dưỡng phù hợp.

Trẻ em có thể bị nhiễm Rotavirus nhiều lần, nhưng vaccine có thể ngăn ngừa mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Vaccine Rotavirus có thể bảo vệ 80% trẻ không bị bệnh tiêu chảy, 90% trẻ không bị tiêu chảy nặng, đồng thời bảo vệ trẻ không mắc các bệnh nhiễm trùng đường ruột nói chung.

Bên cạnh chủ động phòng ngừa bằng vaccine, phụ huynh, trẻ cần rửa tay sạch trước khi ăn cho trẻ ăn, không cho bé ăn đồ ăn lạ, vệ sinh thường xuyên tay nắm cửa nhà vệ sinh, đảm bảo ăn chín uống sôi.

Hoài Thương

Trả lời