Sai lầm thường gặp khi táo bón Leave a comment

Dùng thuốc nhuận tràng, tăng cường chất xơ giúp cải thiện táo bón nhưng làm sai cách có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng, bệnh nghiêm trọng hơn.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, táo bón là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến nhất. Bệnh có thể được kiểm soát tốt tại nhà nếu người bệnh dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và thay đổi lối sống phù hợp hơn. Tuy nhiên, táo bón cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu thực hiện sai cách.

Tăng cường bổ sung chất xơ sai cách

Theo bác sĩ Hậu, trừ khi người bệnh bị mất nước, việc uống nhiều nước hơn không có tác dụng điều trị táo bón. Khi người bệnh uống nhiều nước, phần lớn lượng nước này sẽ được bài tiết qua đường tiểu. Trong khi đó, để làm mềm phân thì nước cần được giữ lại trong lòng ruột nhờ có chất dinh dưỡng là đường không hấp thu sorbitol. Để làm mềm hóa phân và giữ nước lại trong lòng ruột, người bệnh cần đồng thời uống nhiều nước và bổ sung thực phẩm giàu sorbitol tự nhiên như lê, táo, chuối, đu đủ…





Bổ sung chất xơ sai cách làm nghiêm trọng thêm bệnh táo bón. Ảnh: Shutterstock

Bổ sung chất xơ sai cách làm nghiêm trọng thêm bệnh táo bón. Ảnh: Shutterstock

Một trong những lời khuyên cải thiện táo bón thường gặp nhất là bổ sung chất xơ. Tuy nhiên, đây cũng chính là tác nhân làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón ở nhiều người. Nguyên nhân là do bổ sung quá nhiều chất xơ mà không quan tâm đến lợi khuẩn. Cụ thể, để hỗ trợ điều trị táo bón cần có lợi khuẩn (men) để tăng nhu động ruột. Những lợi khuẩn này chịu trách nhiệm phân hủy chất xơ, tạo thành axit béo chuỗi ngắn. Chính những axit béo chuỗi ngắn này được tế bào thần kinh ruột hấp thu và tạo ra serotonin làm tăng nhu động ruột.

Thông thường, lợi khuẩn có nhiều và có sẵn trong đại tràng của chúng ta, tuy nhiên, vì những lý do như dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc hạ huyết áp thường xuyên, chế độ ăn uống thiếu khoa học, stress… đã làm sụt giảm số lượng lợi khuẩn. Lúc này, bất kể người bệnh có bổ sung thêm bao nhiêu chất xơ vẫn không thể tăng nhu động ruột. Việc tăng đột ngột hàm lượng chất xơ có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng, làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.

Lạm dụng thuốc nhuận tràng

Bác sĩ Hậu chia sẻ thêm, một sai lầm thường gặp khác trong điều trị táo bón là lạm dụng thuốc nhuận tràng. Thuốc nhuận tràng có tác dụng hỗ trợ nhu động ruột, điều hòa tình trạng vận chuyển phân trong ruột, từ đó điều trị táo bón. Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhuận tràng với chỉ định và liều lượng khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên dùng thuốc nhuận tràng trong 3-4 ngày. Lạm dụng thuốc trong thời gian dài có thể làm tổn thương màng nhầy ruột, hỏng các tế bào thần kinh trong ruột, cản trở các cơn co thắt cơ cần thiết để thải hết phân, làm cho tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn và có khuynh hướng phát triển thành bệnh mạn tính, táo bón do mất phản xạ đại tiện, mất phản xạ dạ dày ruột.

Khi bị táo bón, thay vì hạn chế đi vệ sinh, người bệnh cần lắng nghe cơ thể, đi tiêu ngay khi có nhu cầu. Ngoài ra, người bệnh nên tạo thành thói quen ngồi lên bồn cầu từ 15-30 phút mỗi buổi sáng sau khi ăn, bất kể có nhu cầu đại tiện hay không. Điều này giúp thư giãn hệ tiêu hóa.





Người bị táo bón thường lo ngại đi vệ sinh. Ảnh: Shutterstock

Người bị táo bón thường lo ngại đi vệ sinh. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ Hậu khuyến cáo, đa số người bệnh táo bón có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ ngay nếu các biện pháp điều trị tại nhà không có hiệu quả sau hai tuần hoặc khi táo bón kèm theo co thắt và đau bụng dữ dội. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị táo bón mà có quấy khóc nhiều, bỏ bú và sụt cân nhanh…, phụ huynh cũng cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay.

Phi Hồng

Trả lời