Sinh con sau mổ ung thư cổ tử cung Leave a comment

TP HCMNửa năm sau khi mổ cắt cổ tử cung chữa ung thư, người phụ nữ 37 tuổi mang thai tự nhiên và sinh bé trai nặng 2,1 kg.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại Phụ Khoa, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, ngày 13/6 cho biết tháng 2/2020, bệnh nhân mổ cắt cổ tử cung bằng phương pháp bảo tồn sinh sản, nạo hạch chậu hai bên. Phương pháp này giúp bệnh nhân có thể mang thai mặc dù cổ tử cung đã bị cắt.

Từ năm 2018 đến nay, khoảng 12 bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM được mổ bảo tồn tử cung. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên mang thai và sinh con thành công sau mổ. Những người còn lại vẫn sợ bệnh có khả năng tái phát cao trong hai năm đầu nên chưa dám mang thai.

Người phụ nữ này đã có hai con nhưng vẫn mong muốn sinh thêm nên chọn cách mổ bảo tồn sinh sản. Nửa năm sau, chị mang thai tự nhiên. Trong thai kỳ, chị trải qua hai lần dọa sinh non, phải đặt thuốc và nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, đặt vòng nâng tử cung để phòng sinh non. Khi thai 35 tuần, chị có dấu hiệu vỡ ối, sinh mổ vào đầu tháng 4/2021. Hiện bé trai 14 tháng tuổi, phát triển bình thường.

“Quá trình mang thai quá nguy hiểm và vất vả, nhiều người thân, bạn bè khuyên bỏ thai cho an toàn nhưng tôi vẫn quyết tâm giữ lại”, người mẹ chia sẻ.

Theo bác sĩ Tiến, đa số bệnh nhân ung thư cổ tử cung phát hiện trong độ tuổi sinh sản. Cách điều trị là phẫu thuật cắt tử cung, hóa – xạ trị triệt để, như vậy bệnh nhân không còn khả năng sinh con sau khi khỏi bệnh.

Để giữ lại khả năng làm mẹ cho bệnh nhân, một số nơi trên thế giới áp dụng phương pháp phẫu thuật bảo tồn tử cung. Theo đó, bác sĩ cắt cổ tử cung bệnh nhân rồi nối tử cung vào âm đạo, tạo đường dẫn cho tinh trùng vào tử cung và bảo tồn động mạch để nuôi tử cung.

“Không phải bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng kỹ thuật này mà chỉ áp dụng trong một số trường hợp”, bác sĩ Tiến chia sẻ. Cụ thể, bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm (1A1-1B1), tuổi dưới 45, mong muốn bảo tồn chức năng sinh sản, bướu không lan vào bên trong cổ tử cung, không di căn hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ bụng, loại mô học là carcinôm tế bào gai hoặc cacrcinôm tuyến. Tuy nhiên, phương pháp này có tỷ lệ tái phát cao hơn so với những người cắt triệt để tử cung.

Y văn thế giới ghi nhận vài trăm trường hợp có con sau điều trị ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ sinh con thành công sau phẫu thuật khoảng 50%. Quá trình chăm sóc thai kỳ ở những bệnh nhân này cũng đòi hỏi bác sĩ phải theo dõi kỹ hơn vì nguy cơ sảy thai, sinh non cao.

Bác sĩ Tiến hy vọng thời gian tới nhiều phụ nữ trong nhóm này sẽ có con. Bệnh viện đang hợp tác với các hội ung thư trên thế giới điều trị bảo tồn cho phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn hơn.

“Phụ nữ trẻ trong độ tuổi hoạt động tình dục nên khám tầm soát định kỳ, nếu phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể phẫu thuật vừa điều trị khỏi bệnh vừa sinh con thành công”, bác sĩ khuyến cáo.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến nhất ở phụ nữ toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là ung thư phụ khoa thường gặp nhất, mỗi năm khoảng hơn 5.000 trường hợp mới mắc và hơn 2.500 ca tử vong.

Lê Phương

Trả lời