Sợ hỏi bác sĩ – VnExpress Sức khỏe Leave a comment

Cầm đơn thuốc với 6 loại vừa được bác sĩ kê điều trị bệnh dạ dày, anh Tú, 28 tuổi, không biết đó là những thuốc gì nhưng ngại hỏi vì nhiều bệnh nhân đang chờ hàng dài, bác sĩ bấm nút gọi người tiếp theo.

Anh Tú thấy những người đau dạ dày thường phải kiêng nhiều thực phẩm nhưng bác sĩ không tư vấn gì thêm, chỉ hướng dẫn ra ngoài lấy thuốc luôn. Nhìn bác sĩ có phần mệt mỏi vì bệnh đông, anh chần chừ giây lát, hỏi vội: “Bệnh này cần kiêng những thực phẩm gì không ạ?”. Bác sĩ khuyên kiêng rượu bia, hạn chế ăn chua, cay và nhấn mạnh “những cái này bình thường không bệnh cũng nên hạn chế”. Dứt lời, bác sĩ mời người bệnh tiếp theo vào khám.

Chia sẻ câu chuyện này, anh Tú cho biết nhiều lần đi khám, có thắc mắc hỏi bác sĩ cũng không được giải thích cặn kẽ, đôi khi bị cáu gắt nên anh không dám nhờ tư vấn thêm. Lâu dần, anh mang tâm lý “bác sĩ bảo sao thì nghe vậy, làm theo hướng dẫn mới hết bệnh”. Tuy nhiên, một lần khám viêm tai, uống hết thuốc được bác sĩ kê toa với chi phí vài triệu đồng anh mới biết trong đó có những loại thuốc bổ không cần thiết.

Rút kinh nghiệm, lần này sau khi khám, anh không mua thuốc ngay mà gửi đơn thuốc cho bác sĩ quen nhờ tư vấn. Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Hà Nội), cho hay trong đơn thuốc này có cả thuốc bổ và thực phẩm chức năng là những loại không thật sự cần thiết nhưng không được bác sĩ kê toa giải thích rõ công dụng. Bác sĩ Hoàng khuyên anh Tú chỉ cần uống hai loại thuốc điều trị đau dạ dày, còn 4 thuốc khác trong đơn này thì không cần. Sau một tháng uống thuốc theo tư vấn của bác sĩ Hoàng, bệnh đau dạ dày của anh Tú giảm hẳn.

Tâm lý bệnh nhân ngại ngần không dám hỏi bác sĩ khi đi khám là thực tế phổ biến. Các bác sĩ cho rằng đây là câu chuyện đã kéo dài nhiều năm, khó có thể thay đổi ngày một ngày hai, cả từ phía người bệnh lẫn nhân viên y tế. Năm 2015, Bộ Y tế triển khai kế hoạch Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, giúp ngành y có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua. Tuy nhiên tại nhiều bệnh viện có quá đông bệnh nhân, y bác sĩ rất khó thực hiện chu toàn.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Nội Thận Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) cho rằng vấn đề bệnh nhân ngại hỏi bác sĩ xuất phát từ cả hai phía, bao gồm bệnh nhân chưa có thói quen hỏi bác sĩ, không biết hỏi gì, tâm lý ngại hỏi của người Việt, thứ hai là bác sĩ không có thời gian giải thích bệnh nhân.

Như bà Minh, 58 tuổi, từ miền Trung vượt hơn 1.000 km vào TP HCM đi khám vì thường xuyên bị giật một bên mắt và cơ mặt, người yếu mệt. Sau một loạt xét nghiệm, đo điện cơ, bà nhận tờ chẩn đoán “rối loạn Tic (tic mắt)” kèm đơn thuốc và lời dặn dò uống theo đơn, tái khám sau một tháng của bác sĩ. Bà choáng váng không hiểu “rối loạn Tic” là bệnh gì, nguyên nhân do đâu nhưng cũng không dám hỏi lại bác sĩ.

“Bác sĩ nói mắc bệnh gì thì biết là bệnh ấy, nhiều lần khám trước đây bác sĩ giải thích tôi cũng không hiểu”, bà Minh nói. Khi mua thuốc, nhân viên nhà thuốc bảo không có loại kê trong đơn chỉ có “loại chứa hoạt chất tương đương”, bà “không biết liên hệ thế nào để hỏi lại bác sĩ” nên đành chấp nhận mua.

Bác sĩ Hoàng cũng nhận định do trình độ và nhận thức của các bệnh nhân rất khác nhau, không phải ai cũng tự tin hỏi lại bác sĩ các vấn đề liên quan đến đơn thuốc và sức khỏe bản thân. Ngoài ra, vấn đề quan trọng là tại nhiều bệnh viện công, các bác sĩ phải khám hơn 50-70 lượt bệnh nhân trong một buổi, thời gian dành cho giải thích, tư vấn rất hạn chế nên có thể sinh cáu gắt khi bệnh nhân hỏi nhiều. Trong khi đó chế độ đãi ngộ tại bệnh viện công chưa xứng đáng với mức độ căng thẳng của công việc, bác sĩ không cảm thấy thoải mái khi phải giải thích cho bệnh nhân. Nó như một vòng lẩn quẩn, từ đó bệnh nhân không muốn, thậm chí không dám thắc mắc, tranh luận hay hỏi bác sĩ, dẫn đến quyền lợi bị ảnh hưởng.





Bệnh nhân khám bệnh tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Bệnh nhân khám bệnh và nhờ nhân viên y tế hướng dẫn tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Từ thực tế bản thân vừa công tác tại bệnh viện công lập, vừa khám ngoài giờ tại một bệnh viện quốc tế và mở phòng khám riêng, bác sĩ Bách nhìn nhận sự khác biệt trong giao tiếp bác sĩ và bệnh nhân giữa các loại hình dịch vụ y tế này. Tại bệnh viện công, phòng khám bảo hiểm y tế có số lượng bệnh nhân rất đông, bác sĩ chỉ có vài phút khám cho mỗi bệnh nhân nên hầu như không đủ thời gian giải thích nhiều. Trong không khí vội vã, gấp rút, người bệnh chủ yếu lấy thuốc theo toa và về uống theo hướng dẫn ghi sẵn.

Tại những nơi có giá khám bệnh cao hơn như phòng khám tư, khu khám theo yêu cầu, bệnh viện quốc tế…, bác sĩ có nhiều thời gian dành cho bệnh nhân nên có thể tư vấn, giải đáp nhiều thứ. “Nhiều bệnh viện tư quy định mỗi ca khám 10-15 phút nên nếu bệnh nhân không hỏi thì bác sĩ cũng chủ động hỏi thăm kỹ lưỡng, giải thích, dặn dò”, bác sĩ Bách nói.

Có những phòng khám VIP chỉ nhận tối đa 10 bệnh nhân một buổi nên thời gian trao đổi với bác sĩ rất thoải mái. Đa số bệnh nhân ở đây thường hiểu biết, hỏi bác sĩ rất kỹ về chỉ định xét nghiệm, toa thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt… Họ thường chất vấn bác sĩ rất chi tiết về các loại thuốc trong toa được kê trị bệnh gì, uống có tác dụng phụ thế nào, đồng mắc những bệnh nền khác thì uống được không, uống trong bao lâu, phòng ngừa tái phát thế nào, người nhà có cần đi tầm soát…

Trên thực tế, tâm lý ngại hỏi bác sĩ có thể khiến bệnh nhân không nắm rõ thông tin bệnh, cách dùng thuốc, tác dụng phụ, tương tác thuốc cần tránh, chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp, từ đó ảnh hưởng chất lượng điều trị. Chưa kể, người bệnh thụ động trong quá trình khám chữa bệnh, ký cam kết đồng ý điều trị khi chưa hiểu rõ mọi thứ, nếu gặp sự cố, vấn đề bức xúc có thể dẫn đến thái độ quá khích, cự cãi, sử dụng bạo lực với nhân viên y tế hoặc kiện tụng, đưa nhau ra tòa.





Bệnh nhân khám bệnh đông đúc tại một bệnh viện ở TP HCM, tháng 4/2021. Ảnh: Thư Anh

Bệnh nhân chờ khám tại một bệnh viện ở TP HCM, tháng 4/2021. Ảnh: Thư Anh

Câu hỏi được chính các bác sĩ đặt ra là làm thế nào để thay đổi thực trạng này. “Đây là vấn đề đòi hỏi phải nâng cao dân trí, về phía y bác sĩ phải thay đổi phong cách và thái độ phục vụ, đặc biệt là hệ thống y tế cũng phải thay đổi chất lượng dịch vụ”, bác sĩ Bách nói. Ở góc độ nghề y, bác sĩ Bách cho rằng người bệnh thường không có kiến thức nhiều về y khoa, bác sĩ có trách nhiệm giải thích sao cho đơn giản dễ hiểu nhất, không để bệnh nhân bị rối, khi cần thiết có thể dùng các mô hình giải phẫu, hình vẽ để minh họa.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định người bệnh có quyền được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh. Người bệnh được điều trị bằng phương pháp an toàn, hợp lý và có hiệu quả theo các quy định chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh đó, người bệnh phải được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị.

“Người bệnh cần phải hiểu quyền của mình, chủ động yêu cầu bác sĩ giải đáp những khúc mắc, để bảo vệ chính bản thân”, bác sĩ Bách khuyên. Trong khi đó, bác sĩ Hoàng đề nghị các đồng nghiệp khi kê toa thuốc cho bệnh nhân phải giải thích rõ loại nào là thuốc bổ, loại nào là thực phẩm chức năng, thuốc nào là chính trị bệnh, để người bệnh biết và cân nhắc mua hay không tùy điều kiện kinh tế. Khi chỉ định xét nghiệm, đánh giá nguy cơ tiền phẫu thuật, bác sĩ cũng phải giải thích rõ cho bệnh nhân.

Bác sĩ kỳ vọng khi kinh tế phát triển, dân trí nâng cao, các bệnh viện tự chủ tài chính phải thay đổi chất lượng phục vụ để thu hút bệnh nhân, khi đó vấn đề giao tiếp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân sẽ ngày càng cải thiện. Tại nhiều nước phát triển, bệnh nhân được bác sĩ giải thích rất kỹ về bệnh lý và phương án điều trị, còn được bộ phận dược lâm sàng hướng dẫn chi tiết cách dùng thuốc. Dược sĩ lâm sàng xem toa thuốc do bác sĩ kê, nếu thấy chưa phù hợp có thể liên lạc chất vấn bác sĩ, yêu cầu giải thích rõ, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người bệnh.

Về phía bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), khuyên khi tiếp nhận một thông tin mới, nếu không hiểu hãy hỏi lại và lắng nghe từ bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Ngại hỏi, ngại trò chuyện cùng bác sĩ dẫn đến những hiểu nhầm trong tiếp nhận thông tin y khoa, từ đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Thống kê tại Mỹ cho thấy mỗi năm có hàng nghìn người bị thương hoặc tử vong do hiểu nhầm thông tin hoặc đánh giá không đúng tầm quan trọng từ lời khuyên của nhân viên y tế.

“Trước khi đi khám, người bệnh nên viết ra các câu hỏi và chừa chỗ để viết câu trả lời. Tại phòng khám, nên hỏi và ghi chép những câu trả lời của bác sĩ”, bác sĩ Phước khuyên. Nếu bác sĩ chuẩn bị sẵn những tờ thông tin hoặc hình ảnh y khoa cho bệnh nhân, đừng ngại lấy về nhà để tham khảo. Người bệnh nhận được phiếu tóm tắt thông tin điều trị, hãy lưu lại cẩn thận và về nhà đọc kỹ. Bệnh nhân có thể đi cùng người thân hoặc bạn bè khi gặp bác sĩ để tự tin hơn, hiểu tốt hơn và có người nhắc nhớ về nội dung bác sĩ đã tư vấn.

Lê Phương – Thúy Quỳnh

Trả lời