Sỏi mật và sỏi thận khác nhau thế nào? Leave a comment

Sỏi mật và sỏi thận đều là những bệnh lý thường gặp, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Dù nằm ở hai cơ quan khác nhau nhưng sỏi mật và sỏi thận thường có những triệu chứng tương tự như đau bụng, buồn nôn, sốt và ớn lạnh nếu có nhiễm khuẩn… Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tp HCM hướng dẫn cách phân biệt cơ bản về hai loại sỏi này như sau:

Sỏi mật là những viên sỏi được hình thành trong đường mật bao gồm túi mật và cá ống mật trong gan. Thành phần chủ yếu sỏi mật là cholesterol và bilirubin. Dù là một bệnh lành tính, sỏi có thể gây tắc mật, viêm tụy cấp và nhiễm khuẩn đường mật. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể nguy hiểm tính mạng do biến chứng thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật, viêm mủ đường mật, sốc nhiễm khuẩn…

Cơn đau quặn mật điển hình của sỏi mật là các cơn đau đột ngột ở vùng bụng trên rốn, dưới sườn bên phải. Cơn đau có thể kết thúc nhanh chóng hoặc kéo dài đến vài giờ, thường lan ra trước ngực hoặc sau lưng. Ngoài ra, sỏi mật có thể làm xuất hiện các triệu chứng như khó tiêu, buồn nôn, vàng da niêm…





Khi sỏi mật phát triển có thể gây đau và nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Shutterstock

Khi sỏi mật phát triển có thể gây đau và nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Shutterstock

Sỏi thận là một trong những bệnh lý về đường tiết niệu phổ biến nhất. Khi nồng độ một số chất khoáng trong nước tiểu tăng quá cao so với bình thường, những chất này kết tinh lại thành những tinh thể rắn vô cơ, được gọi là sỏi. Có nhiều loại sỏi thận, sỏi canxi chiếm tỉ lệ 80%.

Theo bác sĩ Tân Cương, dấu hiệu thường gặp của sỏi thận là đau hông lưng. Những sỏi nằm ở trong thận thường không triệu chứng hoặc chỉ đau tức nhẹ vùng hông lưng bên thận có sỏi. Khi sỏi từ thận rơi xuống ống niệu quản gây tắc nghẽn thì xuất hiện cơn đau dữ dội vùng hông lưng, không có tư thế nào có thể làm giảm đau, đau lan dần ra phía trước và xuống bụng dưới. Ngoài ra, cơn đau quặn thận thường đi kèm buồn nôn và đi tiểu khó hoặc nước tiểu có máu.





ThS.BS Nguyễn Tân Cương thăm khám cho người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

ThS.BS Nguyễn Tân Cương thăm khám cho người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Cương cho biết, sỏi mật cũng nguy hiểm không kém sỏi thận. Cả hai tình trạng này đều cần được điều trị sớm. Kích thước sỏi là một trong những yếu tố giúp quyết định phương án điều trị của bác sĩ. Những sỏi nhỏ, không biến chứng, có thể điều trị nội khoa bằng thuốc và theo dõi định kỳ. Những trường hợp còn lại cần phải phẫu thuật để lấy sạch sỏi và hoặc giải quyết những biến chứng do sỏi gây ra. Hầu hết các trường hợp đều có thể phẫu thuật nội soi. Đây là phương pháp ít xâm lấn với nhiều ưu điểm như điều trị khỏi bệnh với vết mổ nhỏ, ít đau, thời gian phục hồi nhanh…





Sỏi thận gây tắc nghẽn niệu quản, ứ đọng nước tiểu, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Shutterstock

Sỏi thận gây tắc nghẽn niệu quản, ứ đọng nước tiểu, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Shutterstock

Đối với sỏi thận, các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm tán sỏi bằng sóng xung kích, tán sỏi qua da và nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser. Ưu điểm của tán sỏi bằng sóng xung kích là ít đau, ít tổn thương thận, không mất nhiều thời gian nằm viện và chăm sóc. Tuy nhiên chỉ nên dùng cho những sỏi thận nhỏ <15mm và hiệu quả sạch sỏi chỉ khoảng 60-80%.

Với phương pháp tán sỏi qua da, kỹ thuật này là lựa chọn hàng đầu khi có sỏi kích thước lớn (<2cm) do tỉ lệ sạch sỏi cao với chỉ sau một lần phẫu thuật. Nội soi ngược dòng tán sỏi thận bằng ống mềm thường được chỉ định với sỏi kích thước nhỏ hơn (<2cm) hoặc khi tán sỏi ngoài cơ thể thất bại. Phương pháp này không gây tổn thương thận, nội soi theo đường dẫn tiểu tiếp cận sỏi và tán sỏi bằng laser.

Bác sĩ Tân Cương lưu ý thêm, sỏi mật và sỏi thận rất thường gặp. Hai loại sỏi này có thể tồn tại trong cơ thể mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Khi sỏi gây tắc nghẽn sẽ xuất hiện cơn đau điển hình. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, cả sỏi mật và sỏi thận đều có thể làm phát sinh những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Do đó, người bệnh nên thăm khám sức khỏe định kỳ và siêu âm là phương tiện tốt nhất phát hiện sớm các bệnh sỏi mật và sỏi thận.

Phi Hồng

Trả lời

1.4736