Sỏi thận kích thước nào phải mổ? Leave a comment

Người bị sỏi thận hiếm khi phải mổ, trừ trường hợp viên sỏi có kích thước quá lớn, gây nhiễm trùng hoặc ứ nước nhiều ở thận, nguy hiểm tới tính mạng.

Sỏi tiết niệu là những phân tử rắn được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Chúng có thể gây đau, buồn nôn và nôn, tiểu máu và có thể gây sốt, rét run nếu nhiễm trùng thứ phát. Đa phần sỏi hình thành từ thận, di chuyển dọc theo đường đi của hệ tiết niệu và bài tiết ra ngoài nên thường gọi là sỏi thận.

Khi hệ tiết niệu bắt đầu hiện tượng lắng và kết tinh sỏi, những tinh thể và viên sỏi nhỏ thường đi theo đường tiểu và được bài tiết ra ngoài. Tại một vị trí nào đó trên đường niệu, tinh thể hoặc viên sỏi bị vướng lại, tiếp tục lắng và kết tinh tạo thành những viên sỏi kích thước lớn hơn.

Kích thước sỏi lớn dần có thể làm cản trở dòng lưu thông của nước tiểu dẫn tới ứ đọng nước tiểu, giãn phình ở phần trên vị trí tắc nghẽn. Tại đây sẽ xảy ra nhiều biến chứng như nhiễm trùng, kết tinh và hình thành thêm các loại sỏi khác nhau… phá hủy dần dần cấu trúc thận.





Sỏi thận có kích thước lớn, nằm lâu trong thận sẽ gây nhiễm trùng, khiến chức năng thận suy giảm theo thời gian. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Sỏi thận có kích thước lớn, nằm lâu trong thận sẽ gây nhiễm trùng, khiến chức năng thận suy giảm theo thời gian. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Theo Thầy thuốc ưu tú – Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu thận học, BVĐK Tâm Anh TP HCM, sỏi thận là bệnh phổ biến ở các nước vùng nhiệt đới như châu Á, bao gồm Việt Nam. Thực tế, điều trị sỏi thận chiếm tới 50% công việc của bác sĩ tiết niệu ở châu Á.

Hiện có khoảng 10-14% người Việt có sỏi thận. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, rất ít người bị sỏi thận phải mổ, do phần đa sỏi ở kích thước bé dưới 5 mm và có thể tự đào thải ra khỏi cơ thể thông qua đường tiểu.

“Mỗi ngày có nhiều người tiểu ra sỏi mà không biết. Đôi khi đi tiểu có cảm giác hơi buốt, nhói, đó có thể là do tiểu ra sỏi. Hầu hết sỏi ở kích thước 2-5 mm nên 80-90% sỏi đào thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. “Sỏi càng lớn, đường kính trên 5mm, càng có nguy cơ bị mắc kẹt”, BS Chuyên cho biết.

Việc điều trị sỏi thận chỉ diễn ra khi sỏi đe dọa chức năng thận, ví dụ khi viên sỏi rơi xuống niệu quản. Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, có kích thước rất bé. Chỉ cần một viên sỏi 1-2 mm đã có thể gây tắc nghẽn niệu quản, gây ứ nước dẫn tới hỏng thận. Nếu viên sỏi rớt xuống bàng quang, gây bế tắc, bí tiểu, người bệnh cũng cần được điều trị để lấy sỏi ra.

“Không phải bác sĩ hay bệnh nhân mà chính viên sỏi quyết định phương pháp điều trị sỏi thận, tùy vào vị trí sỏi mà cách điều trị khác nhau. Nếu sỏi thận nhỏ hơn 5mm, người bệnh chỉ cần uống thuốc và uống nhiều nước để tự đào thải qua đường tiểu. Nếu sỏi có kích thước lớn thì phải mổ nội soi. Nếu sỏi lớn quá, gây nhiễm trùng thì phải mổ hở. Nhưng một khi viên sỏi tàn phá chức năng thận, gây nguy hiểm tính mạng thì buộc phải cắt thận “, BS Chuyên cho hay.





PGS Vũ Lê Chuyên cho hay không phải bác sĩ hay bệnh nhân mà chính viên sỏi quyết định phương pháp điều trị sỏi thận. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

PGS Vũ Lê Chuyên cho hay không phải bác sĩ hay bệnh nhân mà chính viên sỏi quyết định phương pháp điều trị sỏi thận. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Phương pháp mổ hở trước đây là tối ưu, gọn gàng, rẻ tiền nhất và có ưu điểm lấy hoàn toàn sạch sỏi. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật kỹ thuật cao để tán dần dần sỏi ra khỏi cơ thể.

Nếu sỏi thận kích thước nhỏ và là sỏi cản quang, có độ cản quang không quá cứng, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Khi sỏi thận đã di chuyển xuống niệu quản gần bàng quang, bác sĩ có thể dùng ống nội soi bán cứng và tia laser tán sỏi. Với trường hợp sỏi thận vẫn còn ở trên cao, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi mềm để đưa lên.

Viên sỏi lớn dần như củ gừng hay san hô, nằm lâu trong thận sẽ gây nhiễm trùng, khiến chức năng thận suy giảm theo thời gian. Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tầm soát từ sớm, khi sỏi còn bé, để việc điều trị dễ dàng. Phương pháp tầm soát duy nhất để phát hiện sỏi trước khi tạo thành biến chứng là siêu âm định kỳ. Theo PGS Chuyên, hiện phương pháp này có sẵn và rất thuận tiện cho người bệnh tại Việt Nam. Máy siêu âm rất nhạy với sỏi vì nó có nốt cản âm, bác sĩ siêu âm nào cũng thấy được. Nếu phát hiện sỏi niệu quản, người bệnh cần được điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.

Anh Ngọc

Trả lời

2.4702