Sụt cân, nôn ói phát hiện bị bệnh hiếm gặp Leave a comment

TP HCMBệnh nhân gặp vấn đề tiêu hóa, nôn ói cả khi uống nước, đi khám mới phát hiện bị bệnh hiếm gặp với động mạch bị gập góc, gây chèn ép tá tràng.

Bệnh nhân Lương Minh Quang (19 tuổi, TP HCM) nhập viện trong tình trạng sụt cân nhiều, suy dinh dưỡng, ăn uống kém, thường ăn mau no, buồn nôn và nôn ói liên tục, đau âm ỉ ở thượng vị. Tình trạng này đã kéo dài 2-3 tháng nay.

ThS.BS CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân (Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, xét nghiệm máu ghi nhận tình trạng rối loạn điện giải. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, góc động mạch mạc treo tràng trên với động mạch chủ bụng của người bệnh chỉ 11 độ so với bình thường là 30 độ. Động mạch mạc treo tràng trên là mạch máu lớn xuất phát từ mặt trước động mạch chủ bụng, đi sau eo tuỵ và tĩnh mạch cửa xuống dưới và sau đó chia thành các nhánh nuôi toàn bộ ruột non và đại tràng phải.

Theo bác sĩ Quỳnh Ngân, bệnh nhân bị hội chứng động mạch mạc treo tràng trên (còn gọi là hội chứng Wilkie). Đây là hội chứng hiếm gặp, với tỷ lệ 0,013-0,3% dân số. Sự gập góc giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ bụng gây chèn ép một đoạn tá tràng. Nếu chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến biến chứng rối loạn điện giải và kiềm toan, suy kiệt…





Kết quả CT cho thấy góc động mạch mạc treo tràng trên - động mạch chủ của người bệnh chỉ 11  độ so với bình thường là 30 độ. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Kết quả CT cho thấy góc động mạch mạc treo tràng trên – động mạch chủ của người bệnh chỉ 11 độ so với bình thường là 30 độ. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân còn trẻ nên việc điều trị nội khoa được các bác sĩ ưu tiên hơn là phẫu thuật. Thạc sĩ Quỳnh Ngân chia sẻ, bệnh nhân được giải áp dạ dày, sử dụng thuốc, giải quyết tình trạng tắc nghẽn do hẹp tá tràng, cung cấp dinh dưỡng qua tĩnh mạch, nâng cao thể trạng. Nếu điều trị bảo tồn thất bại thì mới cần phẫu thuật. Khi đó, bác sĩ ngoại tiêu hóa sẽ nối dạ dày tá tràng để giảm tắc nghẽn. Phương pháp này có tỷ lệ thành công 90%.

Sau 6 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, hết nôn ói, ăn uống được và xuất viện. Người bệnh được khuyên tránh căng thẳng, chấn thương; có chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhằm cải thiện tình trạng suy kiệt, tránh làm bệnh tái phát vì nếu bệnh diễn tiến nặng thì phải phẫu thuật. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần lưu ý chia nhỏ bữa ăn, không nằm ngay sau khi ăn, không vừa nằm vừa ăn và nên ăn trước đi ngủ ít nhất 2 tiếng…

Triệu chứng của hội chứng Wilkie

Y văn thế giới ghi nhận hội chứng Wilkie xảy ra nhiều nhất ở người trẻ 10-39 tuổi, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam. Nguyên nhân do sự giảm mô mỡ đột ngột sau khi mắc một bệnh lý nặng gây suy yếu; sau phẫu thuật can thiệp nắn chỉnh biến dạng cột sống; do bẩm sinh hay những can thiệp khiến dây chằng Treiz cao bất thường.

Thạc sĩ Quỳnh Ngân cho biết, triệu chứng bệnh rất đa dạng và không đặc hiệu là buồn nôn, nôn ói sau ăn, nôn ra dịch mật, đau bụng, sụt cân… Triệu chứng có thể xảy ra cấp tính hay mạn tính, nặng lên sau bữa ăn và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm tụy, viêm loét dạ dày, khó tiêu chức năng… Mức độ nặng của các triệu chứng tùy thuộc vào mức độ chèn ép do gập góc động mạch mạc treo tràng trên – động mạch chủ bụng.

Ở người lớn, triệu chứng của hội chứng Wilkie xảy ra khi góc động mạch mạc treo tràng trên – động mạch chủ bụng giảm dưới 20 độ. Ở trẻ em, góc này còn nhỏ hơn.





Bác sĩ Quỳnh Ngân đang tư vấn cho người bệnh. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Quỳnh Ngân đang tư vấn cho người bệnh. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Theo thạc sĩ Quỳnh Ngân, hội chứng Wilkie thường khó chẩn đoán và phát hiện chậm trễ, đòi hỏi chuyên môn và kinh nghiệm lâm sàng nhiều năm, cùng với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Nếu người lớn, trẻ em có triệu chứng ăn uống kém, ăn mau no, chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, sụt cân… thì nên đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán, điều trị sớm.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Anh Thái

Trả lời