Suy đa tạng do ngộ độc lá du mại Leave a comment

Hòa BìnhNgười đàn ông 78 tuổi, hái lá du mại đun nước để chữa táo bón, vài hôm sau bị vàng da, vàng mắt, nước tiểu đỏ, mệt mỏi.

Gia đình đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu trong tình trạng sốt cao, lơ mơ, suy hô hấp, tụt huyết áp, da xanh, không có nước tiểu. Kết quả xét nghiệm có tình trạng thiếu máu nặng, suy gan cấp, tổn thương thận cấp, rối loạn điện giải,…

Sau khi cấp cứu ban đầu, bệnh nhân được điều trị chuyên sâu bằng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp kèm thở máy, lọc máu và thay huyết tương để hỗ trợ các tạng suy. Người bệnh còn phải truyền một khối lượng lớn máu và các chế phẩm của máu do tình trạng rất nặng.

Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang phải điều trị và chăm sóc tích cực.

Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngày 30/5 cho biết, đây là một trong hai bệnh nhân ngộ độc lá du mại đang được điều trị tại bệnh viện.

Trường hợp thứ hai là nam thanh niên 28 tuổi, đi ăn cỗ có món ăn được chế biến với lá du mại. Sau vài hôm, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, đi tiểu ít và nước tiểu màu đỏ. Người bệnh nhập viện với biểu hiện tương tự. Kết quả xét nghiệm máu cũng có tình trạng thiếu máu nặng, suy gan cấp, tổn thương thận cấp và rối loạn điện giải phải truyền máu nhiều lần. Hiện, anh cũng đã qua cơn nguy kịch.

“Hầu hết trường hợp này đều nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn với các biểu hiện thiếu máu nặng, suy đa tạng, phải dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, thở máy, lọc máu,… mới giữ được mạng sống”, bác sĩ nói.





Một bệnh nhân ngộ độc lá du mại đang được theo dõi tích cực tại bệnh viện. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Một bệnh nhân ngộ độc lá du mại đang được theo dõi tích cực tại bệnh viện. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Cây du mại có nhiều tên gọi khác nhau như lộc mại, rau mại, rau mọi… Lá hình bầu dục dài 10-14 cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa. Cây mọc tự nhiên, phổ biến nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Y văn Việt Nam chưa ghi nhận nghiên cứu nào về loại cây này.

Theo bác sĩ Tình, lá du mại thường được người dân sử dụng làm rau ăn, chế biến với thức ăn hoặc đun nước uống để chữa một số bệnh trong đó táo bón. Tuy nhiên, độc tố của lá du mại có thể gây vỡ hồng cầu (tan máu) dẫn đến thiếu máu nặng, đặc biệt là ở những người thiếu hụt men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase).

“Điều này lý giải cho việc trong một mâm cỗ có thức ăn chế biến với lá du mại, có người bị tan máu, có người không bị”, bác sĩ giải thích.

Nguyên nhân gây bệnh thiếu men G6PD là sự đột biến gene trên nhiễm sắc thể giới tính X. Nam giới bình thường chỉ có một nhiễm sắc thể giới tính X (XY), trong khi nữ giới có tới hai nhiễm sắc thể giới tính X (XX). Vì vậy, bệnh thường biểu hiện ở nam giới. Còn nữ giới cần đến sự biến đổi ở cả cặp nhiễm sắc thể giới tính mới gây thiếu men G6PD.

Bác sĩ khuyến cáo sử dụng lá du mại cũng như một số lá cây rừng khác chưa rõ tác dụng là rất nguy hiểm, nhất là những người bị thiếu hụt men G6PD.

Khi không may bị ngộ độc độc lá du mại, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị hoặc chuyển tuyến trên kịp thời. Các trường hợp ngộ độc lá du mại, nhập viện trong tình tạng nặng phải áp dụng các biện pháp điều trị chuyên sâu mới có hy vọng cứu sống như rửa dạ dày, thở máy, lọc máu, thay huyết tương, điều chỉnh rối loạn điện giải,…

Thùy An

Trả lời