Suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi Leave a comment

Suy giảm trí nhớ ở người trẻ không nguy hiểm nhưng gây giảm sút hiệu quả học tập, làm việc và nguy cơ mắc các bệnh sa sút trí tuệ, Alzheimer.

Bác sĩ Thân Thị Minh Trung, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, hội chứng suy giảm trí nhớ là do sự suy giảm chức năng của não bộ chứ không phải do quá trình lão hóa theo tuổi tác thông thường. Tình trạng quên quên, nhớ nhớ khiến người trẻ gặp nhiều khó khăn trong đời sống, làm giảm hiệu quả học tập, làm việc và có nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh nghiêm trọng như sa sút trí tuệ, Alzheimer khi tuổi càng lớn hơn.

Các nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ là do căng thẳng, stress; làm việc quá sức; thiếu hụt dinh dưỡng trong chế độ ăn uống đặc biệt là sắt và vitamin B1; tổn thương thần kinh (do chấn thương sọ não, do viêm não – màng não, do đột quỵ thiếu máu não…); thiếu ngủ, mất ngủ, nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ của thuốc; nghiện rượu hoặc sử dụng ma túy cũng gây suy giảm trí nhớ…

Theo bác sĩ Minh Trung, nếu các tình trạng này kéo dài sẽ làm não bộ mất dần sự nhạy bén và suy giảm trí nhớ tất yếu sẽ xảy ra. Cuộc sống hiện đại ngày khiến người trẻ bận rộn và ít dần thời gian ngủ nghỉ nhưng nên cố gắng cân bằng cuộc sống để bảo vệ sức khỏe.





Tình trạng quên quên, nhớ nhớ khiến người trẻ gặp nhiều khó khăn cuộc sống, công việc. Ảnh: Shutterstock

Tình trạng quên quên, nhớ nhớ khiến người trẻ gặp nhiều khó khăn cuộc sống, công việc. Ảnh: Shutterstock

Hệ lụy do suy giảm trí nhớ gây ra cho người trẻ

Bác sĩ Minh Trung chia sẻ thêm, những phiền toái dễ nhận thấy nhất mà một người suy giảm trí nhớ thường gặp phải, bao gồm:

Giảm hiệu quả làm việc, học tập: Suy giảm trí nhớ diễn ra kéo theo tình trạng tập trung kém, dẫn đến người bệnh khó hoàn thành công việc, học tập nhanh chóng và hiệu quả. Suy giảm trí nhớ khiến người trẻ thường xuyên bị nhầm lẫn dẫn đến nhiều sai sót, thậm chí có thể gây thất thoát tiền bạc. Chứng bệnh này cũng có thể khiến người bệnh trở nên chán nản, không còn muốn tiếp tục làm việc, học tập.

Giảm chất lượng sống: Tình trạng suy giảm trí nhớ nặng hơn còn khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt thường ngày chẳng hạn như thường xuyên để quên đồ vật, để ở đâu không nhớ, không nhớ có bao nhiêu tiền trong ví, vì sao mà chỉ còn từng này… Người bệnh trở nên hoài nghi về những người xung quanh, có phải họ đã lấy cắp đồ dùng, tiền bạc của mình hay không. Điều này có thể dẫn đến xích mích, rạn nứt tình cảm. Suy giảm trí nhớ cũng có thể khiến người bệnh thay đổi tâm trạng, hành vi. Bạn trở nên dễ kích động, cáu gắt vô lý hoặc tâm lý chán chường.

Nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ, Alzheimer: bác sĩ Minh Trung dẫn một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 5-20% người trên 65 tuổi mắc bệnh suy giảm trí nhớ. Suy giảm trí nhớ không phải là một loại sa sút trí tuệ, nhưng một người bị suy giảm trí nhớ có nhiều khả năng tiếp tục phát triển chứng sa sút trí tuệ.

Theo bác sĩ Minh Trung, ngày càng nhiều người trẻ mắc phải chứng suy giảm trí nhớ nhưng chưa được chẩn đoán, điều trị. Theo thời gian, nếu không kiểm soát tốt bệnh có thể tiến triển thành sa sút trí tuệ và Alzheimer. Đây là hai bệnh lý về thần kinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống.

Để phòng ngừa hoặc quản lý tốt tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ, điều quan trọng nhất vẫn là phải thay đổi lối sống, tránh căng thẳng, stress. Cụ thể về chế độ ăn uống, cần ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày, đặc biệt chú ý bổ sung vitamin B1 và sắt; không hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích.

Về sinh hoạt, mọi người cần dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, tránh làm việc quá sức, tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút. Tốt hơn bạn nên tham gia vào các trò chơi rèn luyện trí não, tham gia các khóa học, đọc sách… Thăm khám sức khỏe định kỳ cũng rất cần thiết nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ có thể gây sa sút trí tuệ và giúp việc phòng ngừa bệnh tật được tốt hơn.

Nguyên Phương

Trả lời