Tác dụng của tỏi với bệnh tiểu đường Leave a comment

Ăn tỏi sống giúp người bệnh tiểu đường giảm lượng đường trong máu và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.

Từ lâu, tỏi đã được dùng để giúp giảm mức cholesterol cao và huyết áp cao. Tiêu thụ tỏi cũng có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh tim – một biến chứng mà nhiều người bệnh tiểu đường gặp phải. Theo nghiên cứu của Đại học Kuwait (Kuwait), tỏi sống có thể giúp giảm lượng đường trong máu và nguy cơ xơ vữa động mạch. Người bệnh tiểu đường có thể tăng nguy cơ viêm liên quan đến xơ vữa động mạch.

Một nghiên cứu khác của Iran và Đức cũng chỉ ra rằng, tỏi làm giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (cholesterol xấu) trong huyết thanh và tăng vừa phải cholesterol HDL (cholesterol tốt) so với giả dược ở bệnh nhân tiểu đường. Các hợp chất chiết xuất từ tỏi như alliin, allicin, diallyl disulfide… có hiệu quả trong giảm kháng insulin.

Tỏi là một nguồn cung cấp vitamin B6, C tham gia vào quá trình chuyển hóa carbohydrate. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng đường trong máu. Tỏi cũng làm giảm huyết áp, có tác dụng chống khối u, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, kháng khuẩn và kháng nấm mạnh. Nó còn có thể bảo vệ tế bào gan khỏi một số tác nhân độc hại, ức chế vi khuẩn đường ruột có hại, chống lại bệnh truyền nhiễm.





Chiết xuất từ tỏi như alliin, allicin có hiệu quả trong giảm kháng insulin. Ảnh: Freepik.

Chiết xuất từ tỏi như alliin, allicin có hiệu quả trong giảm kháng insulin. Ảnh: Freepik.

Theo Healthline, không có liều lượng ăn tỏi tiêu chuẩn, bạn có thể thêm tỏi vào bất kỳ món ăn hay công thức nấu ăn nào mà bạn muốn. Tuy nhiên, để có hiệu quả tốt nhất, người bệnh tiểu đường nên tiêu thụ tỏi thường xuyên với lượng vừa phải. Nấu chín có thể làm giảm khả năng chữa bệnh của tỏi, vì vậy, người bệnh nên sử dụng tỏi sống trong các món ăn.

Mùi vị của tỏi sống khá mạnh và nồng. Nếu bạn thấy có chút khó chịu khi sống thì có thể thay thế bằng chiết xuất tỏi tươi hoặc chiết xuất tỏi có chứa allicin. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem có phù hợp và an toàn trước khi bổ sung các chất này vào chế độ ăn uống. Bạn cũng cần lưu ý các chiết xuất từ tỏi có qua xử lý nhiệt trong quá trình sản xuất hay không vì nhiệt có thể phá hủy các hợp chất hoạt động trong tỏi, giảm tác dụng chữa bệnh. Các sản phẩm từ tỏi hoàn toàn không mùi cũng nên tránh vì nó có thể bị loại bỏ các hợp chất lưu huỳnh tạo ra mùi đặc trưng của tỏi, làm mất đi một số lợi ích sức khỏe.

Nhìn chung, tỏi an toàn cho mọi người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ăn tỏi sẽ gây ra một vài vấn đề như gây ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, nôn ói hoặc tiêu chảy. Tỏi cũng có tương tác thuốc, nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu thì nên hỏi ý kiến bác sĩ vì tiêu thụ tỏi có thể làm tăng tác dụng của thuốc này.

Mai Cát
(Theo Healthline)

Trả lời

2.4649