Tai nạn đuối nước rình rập trẻ ngày hè

Hà NộiThời tiết nắng nóng, trẻ nghỉ hè đi tắm ao, hồ, sông, suối… làm tăng trường hợp đuối nước, nhiều em tổn thương phổi nặng, suy đa tạng phải lọc máu, thậm chí tử vong.

Ngày 29/7, tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé trai 12 tuổi vẫn đang hôn mê do đuối nước. Bác sĩ cho biết em bị rơi xuống nước khi đang chơi ở ao cá, được sơ cứu tại chỗ, nhập Viện đa khoa tỉnh Hải Dương trong tình trạng lơ mơ, người tím tái. Các bác sĩ khẩn cấp đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch rồi chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để tiếp tục theo dõi và điều trị.

PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, SpO2 67%, chảy máu nhiều qua ống nội khí quản. Các bác sĩ “chạy đua” thực hiện liên tục các biện pháp hồi sức tích cực như thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao, lọc máu, tiêm kháng sinh và điều trị chống phù não. Tuy nhiên, tiên lượng của trẻ vẫn rất nặng.

Đây là một trong những trẻ bị đuối nước nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Một trường hợp khác, bé trai đang chơi thì bị trượt chân xuống bể bơi. Không thấy con, gia đình đi tìm, phát hiện trẻ nằm úp mặt xuống đáy bể, được đưa lên bờ trong tình trạng bất tỉnh, tím tái.

Tại Việt Nam, mỗi năm đuối nước cướp đi sinh mạng hơn 3.000 thanh thiếu niên, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 16 tuổi. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tính từ đầu năm đến nay, hơn 100 trẻ thiệt mạng vì đuối nước, nhiều trẻ biết bơi song tổn thương phổi nặng nề.





Tai nạn đuối nước liên tiếp ngày hè

Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhi đuối nước tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Tuấn, phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách. Do đó, trẻ bị đuối nước sau khi đưa lên bờ có thể tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức.

Trước tiên, đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp. Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Cần đảm bảo đường thở thông thoáng bằng việc lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ. Quan sát lồng ngực trẻ, nếu không thấy di động hoặc nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức.

Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo. Trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại.

Tuyệt đối không vác ngược trẻ chạy sẽ làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở. Khi xoa bóp tim ngoài lồng ngực hãy bình tĩnh không ấn ngực quá mạnh sẽ gây chấn thương phổi. Gia đình bệnh nhi cần bình tĩnh hợp tác với cơ sở y tế điều trị, khi bệnh nhi ổn định về các chỉ số sinh tồn mới được chuyển đi, nếu không sẽ làm cho tình trạng tổn thương não của trẻ nặng hơn. Người cứu nếu không biết bơi, không nên cố gắng nhảy xuống nước sẽ nguy hiểm tính mạng.

Nhà trường và gia đình nên có các chương trình dạy kỹ năng sống cho trẻ đặc biệt là dạy bơi. Giám sát trẻ cẩn thận, không để trẻ đi bơi một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm để giám sát trẻ. Khi đi bơi tuân thủ các biển chỉ dẫn nguy hiểm và các nội quy ở bể bơi, bãi tắm. Không nên đi bơi khi trời tối, ăn uống khi đi bơi vì dễ gây sặc.

Thùy An