Tại sao bạn tỉnh giấc với trái tim loạn nhịp? Leave a comment

Căng thẳng, uống quá nhiều rượu, thiếu máu, thiếu ngủ, ngưng thở khi ngủ, bệnh tiểu đường… có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh sau khi thức dậy.

Đôi khi thức dậy, bạn có thể cảm thấy tim đập rất nhanh. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng, nhưng nó thường liên quan đến các yếu tố hàng ngày như chế độ ăn uống, căng thẳng. Tuy nhiên, một người cũng có thể thức dậy với tình trạng loạn nhịp tim do một số vấn đề y tế như bệnh tiểu đường, rối loạn giấc ngủ hoặc thiếu máu.

Căng thẳng hoặc lo lắng cao độ

Lo lắng là một nguyên nhân rất phổ biến khiến tim đập nhanh. Sự gia tăng mức độ lo lắng và căng thẳng có thể kích hoạt giải phóng các hormone trong máu làm tăng nhịp tim. Theo tạp chí American Family Physician, khoảng 31% trường hợp tim đập nhanh là do yếu tố tinh thần như căng thẳng, lo lắng hoặc xung đột nội tâm.

Những người có lối sống căng thẳng hoặc bị rối loạn lo âu đôi khi có thể bị tim đập nhanh khi thức dậy. Điều này rõ ràng hơn trong thời kỳ căng thẳng cao độ hoặc khi các triệu chứng lo lắng tồi tệ hơn. Họ cũng có thể gặp các triệu chứng khác, bao gồm: khó ngủ, lo lắng kéo dài, khó nghỉ ngơi, khó thở, thở nhanh và nông.





Căng thẳng cao độ có thể khiến bạn tỉnh giấc với tình trạng tim đập nhanh. Ảnh: Freepik

Căng thẳng cao độ có thể khiến bạn tỉnh giấc với tình trạng tim đập nhanh. Ảnh: Freepik

Chế độ ăn

Chế độ dinh dưỡng có thể tác động đáng kể đến chất lượng giấc ngủ. Các loại thực phẩm cụ thể, nhất là khi bạn ăn chúng vào ban đêm, có thể làm tăng nguy cơ tỉnh giấc với tình trạng tim loạn nhịp.

Tiêu thụ thực phẩm chứa đường trước khi ngủ có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến. Lượng đường tăng thêm này có thể khiến cơ thể tiết ra hormone căng thẳng, gây các triệu chứng tương tự như khi bị căng thẳng.

Uống cà phê trước khi ngủ cũng có thể khiến tim đập nhanh ở một số người. Caffeine là một chất kích thích có trong cà phê, trà và soda có thể khiến tim đập loạn, đi kèm các triệu chứng như bồn chồn, lo lắng, hồi hộp, khó ngủ. Trong khi đó, mất nước cũng có thể gây tình trạng nhịp tim không đều. Mất nước nhẹ dẫn đến khát nước, khô miệng và giảm lượng nước tiểu. Nếu tình trạng mất nước trở nên tồi tệ hơn, bạn cũng có thể bị loạn nhịp tim, thở gấp và huyết áp thấp.

Ngoài ra, uống nhiều rượu vào ban đêm có thể dẫn đến tim đập nhanh vào buổi sáng, bạn cũng cần một khoảng thời gian để cơ thể phục hồi. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện cùng bao gồm: khát nước, buồn nôn, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi.

Thiếu máu

Những người bị thiếu máu không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh lưu thông trong cơ thể. Điều này có thể làm phát sinh một số triệu chứng bao gồm: tim đập nhanh, đau đầu, mệt mỏi, khó thở, khó tập trung.

Ác mộng

Một cơn ác mộng có thể khiến một người tỉnh giấc với tình trạng tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy. Chứng tê liệt khi ngủ cũng có thể dẫn đến loạn nhịp tim. Trong trường hợp này, người bệnh thức dậy không thể cử động được. Họ thường trải qua cảm giác sợ hãi, ảo giác dữ dội và áp lực đè lên ngực. Nếu ác mộng là nguyên nhân gây loạn nhịp tim thì tình trạng này sẽ giảm bớt sau khi thức dậy.

Thiếu ngủ

Thiếu ngủ cũng là nguyên nhân khiến tim đập nhanh hơn bình thường. Rối loạn giấc ngủ hoặc không ngủ đủ giấc có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe. Người bệnh có thể cảm thấy nhịp tim nhanh hơn một chút vào ngày hôm sau. Hiệp hội X-quang của Bắc Mỹ (RSNA) cho biết, sau 24 tiếng thiếu ngủ, những người tham gia nghiên cứu bị tăng nhịp tim và huyết áp cao. Các dấu hiệu khác của tình trạng thiếu ngủ bao gồm: mệt mỏi, bất cẩn, sương mù tinh thần (trạng thái suy giảm trí lực tạm thời do không có khả năng tập trung, suy nghĩ hoặc lập luận rõ ràng).

Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ gây ra nhiều triệu chứng liên quan đến giấc ngủ và tim đập nhanh khi thức dậy. Chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi một người liên tục ngừng thở trong đêm. Việc ngưng thở đột ngột có thể làm giảm nồng độ oxy, gây thêm căng thẳng cho tim. Các triệu chứng khác của ngưng thở khi ngủ bao gồm: ngáy rất to, thức dậy thở hổn hển, khô miệng, cảm thấy mệt mỏi vào hôm sau.

Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ rất quan trọng, vì việc giảm lượng oxy đến não và cơ thể theo thời gian có thể rất nguy hại. Theo Hiệp hội Lồng ngực Mỹ (ATS), ngưng thở khi ngủ cũng có thể gây rung nhĩ.





Ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tim đập nhanh sau khi thức dậy, đi kèm các triệu chứng như ngáy to, khô miệng... Ảnh: Freepik

Ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tim đập nhanh sau khi thức dậy, đi kèm các triệu chứng như ngáy to, khô miệng… Ảnh: Freepik

Rung nhĩ

Rung nhĩ xảy ra khi các tín hiệu điện trong tim không đồng bộ, khiến các buồng trên đập quá nhanh. Rung nhĩ là loại nhịp tim bất thường phổ biến. Nó khiến tim đập nhanh, khó thở, hồi hộp, tức ngực, suy nhược và mệt mỏi, chóng mặt. Tuy nhiên, rung nhĩ không phải là tình trạng nghiêm trọng, mặc dù nó có thể làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng, bao gồm suy tim và đột quỵ.

Bệnh tiểu đường

Khi lượng đường trong máu hạ thấp, người bệnh có thể cảm thấy tim đập thình thịch và lo lắng. Điều này là do nó kích hoạt giải phóng epinephrine trong cơ thể, epinephrine là một loại hormone có liên quan đến phản ứng sinh lý bản năng khi con người đối mặt với tình huống bị đe dọa, hoảng sợ. Việc giải phóng epinephrine cũng có thể gây ra sự lo lắng, ngứa ran, đổ mồ hôi.

Lượng đường trong máu thấp cũng có thể dẫn đến mệt mỏi, lú lẫn, đói và buồn nôn. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao và thấp lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tuần hoàn khác. Kiểm soát bệnh tiểu đường giúp giảm những nguy cơ này.

Hormone sinh dục nữ

Thức dậy với tình trạng tim đập nhanh cũng có khả năng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Những thay đổi đáng kể về nồng độ estrogen và progesterone có thể dẫn đến tim đập nhanh. Giai đoạn mãn kinh, lượng estrogen của phụ nữ suy giảm một cách tự nhiên, điều này cũng có thể khiến nhịp tim tăng lên. Các đợt bốc hỏa cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.

Sốt

Những thay đổi về nhiệt độ của cơ thể, chẳng hạn như bị sốt, có thể gây ra những thay đổi về nhịp tim. Người bị sốt còn gặp các triệu chứng như đổ mồ hôi, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức.

Một số loại thuốc

Một số loại thuốc, đặc biệt là chất kích thích, có thể gây rối loạn nhịp tim. Tim đập nhanh có thể là tác dụng phụ của các loại thuốc sau: steroid dạng hít (điều trị bệnh hen suyễn), pseudoephedrine (thành phần phổ biến trong thuốc cảm), một số loại thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý, một số loại thuốc tuyến giáp. Nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên kiểm tra nhãn để tìm hiểu về các tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến tim mạch.

Tóm lại, bất kỳ ai gặp các triệu chứng nghiêm trọng cùng với tim đập nhanh, chẳng hạn như đau ngực, chóng mặt cần liên hệ với các dịch vụ y tế khẩn cấp. Đây là dấu hiệu của cơn đau tim và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Tim đập nhanh trong vài giây sau khi thức dậy có thể không phải vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu nó tiếp tục xảy ra, bạn cần thăm khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời, vì rối loạn nhịp kéo dài có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Châu Vũ (Theo Medical News Today)

Trả lời