Tại sao nhiều bệnh viện thiếu thuốc? Leave a comment

TP HCMẢnh hưởng của dịch Covid-19, lượng bệnh nhân tăng nhanh, nhiều thuốc chưa đăng gia hạn số đăng ký, một số thuốc hiếm không còn sản xuất… khiến một số bệnh viện gặp khó trong mua sắm thuốc.

Trả lời VnExpress ngày 2/6, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết thời gian qua, hiện tượng thiếu thuốc xảy ra cục bộ ở một vài loại thuốc tại một vài đơn vị.

Tháng trước, một số mặt hàng thuốc tại Bệnh viện TP Thủ Đức không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh, nhiều bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) phải ra ngoài mua thuốc, thay vì được bảo hiểm thanh toán. Hồi tháng 4, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng hết một số loại thuốc trong danh mục BHYT chi trả, khiến nhiều bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài tốn 6-15 triệu đồng.

Sở Y tế đã yêu cầu và hướng dẫn các đơn vị khắc phục tình trạng này, không để ảnh hưởng đến công tác điều trị và chăm sóc người bệnh. Riêng sự cố gần đây là thiếu thuốc phóng xạ dùng trong máy PET-CT tại các bệnh viện, thành phố đã được Bộ Y tế hướng dẫn ký hợp đồng với Bệnh viện Chợ Rẫy trong khi chờ Bộ thẩm định và cấp phép cho công ty sản xuất thuốc phóng xạ.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, tại phiên họp Quốc hội tuần trước, cho biết thời gian gần đây các cơ sở y tế sợ không dám mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc, trang thiết bị. Còn theo Sở Y tế thành phố, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc tại một số bệnh viện. Trong đó, dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong năm 2021-2022 gây ảnh hưởng đến công tác cung ứng mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị của bệnh viện. Bộ phận hậu cần của bệnh viện tập trung tối đa nguồn lực phục vụ cho phòng chống dịch Covid-19 và giải quyết các vấn đề sau dịch bệnh.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay số lượng bệnh nhân tăng nhanh tại hầu hết các bệnh viện sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát nên dẫn tới việc thiếu hụt cục bộ một số mặt hàng thuốc, vật tư y tế tại một vài bệnh viện. Chẳng hạn, tại Bệnh viện TP Thủ Đức, tháng 8/2021, hơn 28.000 lượt bệnh nhân có thẻ BHYT khám ngoại trú tại đây, thì đến tháng 4/2022 tăng lên gần 75.500 lượt. Số bệnh nhân tăng đột ngột khiến một số mặt hàng thuốc không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh.

Một nguyên nhân quan trọng khác là các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung Quốc gia thực hiện chưa có kết quả, dẫn tới việc bị động trong cung ứng thuốc tại cơ sở y tế. Đơn cử, những thuốc thiếu cho bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy thuộc nhóm thuốc đàm phán giá quốc gia, tình trạng thiếu thuốc là do thời gian chờ kết quả đấu thầu bị chậm. Bệnh viện đã họp khẩn tìm phương án, mua vượt một trong số các loại thuốc bị thiếu và tổ chức mua sắm theo hình thức chỉ định thầu những loại còn lại để có thuốc khẩn cấp, sau đó mới đấu thầu rộng rãi theo quy định.

Ngoài ra, một số trường hợp khách quan không lựa chọn được sản phẩm trúng thầu do không có nhà thầu tham dự hoặc sản phẩm có giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch (sau dịch bệnh có một số mặt hàng tăng giá) hoặc một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm hiện nay không còn được sản xuất. Huyết thanh đa giá kháng nọc rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ đất là một ví dụ. Hiện, các bệnh viện TP HCM đều không có huyết thanh này để điều trị bệnh nhân rắn cắn, bởi loại này trước đây được nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên từ đợt Covid-19 bùng phát vào năm ngoái cho đến nay, nguồn cung cấp này chưa có hàng trở lại nên thị trường khan hiếm.

Theo Sở Y tế TP HCM, bệnh viện không mua được thuốc còn do nhiều thuốc chưa được Bộ Y tế gia hạn số đăng ký, nên các nhà cung ứng không thể tiến hành nhập khẩu, triển khai sản xuất kịp thời. Bên cạnh đó, nghị định 98/2021 của Chính phủ vừa ban hành có nhiều nội dung mới nên nhiều nhà thầu không kịp đáp ứng các hồ sơ, giấy tờ theo quy định.

“Trước những sự cố gần đây liên quan đến thanh tra, kiểm toán, điều tra về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên phạm vi cả nước, ít nhiều có tâm lý lo lắng của các nhà quản lý bệnh viện khi tiến hành đấu thầu mua sắm theo quy định”, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết.





Nhà thuốc tại một bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhà thuốc tại một bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thời gian qua, các bệnh viện đã tháo gỡ các khó khăn, bổ sung nguồn thuốc bị thiếu bằng hình thức mua sắm trực tiếp hoặc chỉ định thầu trong tình huống khẩn cấp, cho đến khi có kết quả đấu thầu năm 2022. Khảo sát nhanh của Sở Y tế TP HCM vừa thực hiện tại 32 cơ sở khám chữa bệnh, ghi nhận 27 bệnh viện đã có kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu mua sắm thuốc tại cơ sở năm 2021-2022, bốn bệnh viện sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu vào tháng 6 và một bệnh viện dự kiến có kết quả lựa chọn nhà thầu vào tháng 7. Đối với các bệnh viện chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu, bệnh viện sẽ thực hiện mua sắm bổ sung trong khi chờ kết quả lựa chọn nhà thầu. Như vậy, hiện nay, về cơ bản các bệnh viện đã đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người bệnh.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đại diện Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế sớm gia hạn, cấp lại số đăng ký cho các thuốc đã hết số đăng ký. Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung Quốc gia sớm có kết quả đàm phán giá thuốc và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đồng thời, Bộ Y tế cần ban hành, cập nhật các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 98/2021 của Chính phủ liên quan đến công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.

Vài ngày trước, Sở Y tế TP HCM đề xuất UBND TP HCM tái lập Trung tâm mua sắm tập trung hàng hóa, tài sản công của ngành y tế theo hướng chuyên nghiệp, quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu rất lớn của các cơ sở y tế trên địa bàn.

Đề xuất này được nhiều lãnh đạo bệnh viện ủng hộ. Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho rằng giải pháp lập trung tâm mua sắm tập trung sẽ phát huy tốt hiệu quả, với điều kiện phải có đội ngũ chuyên biệt, đầy đủ nguồn nhân lực, hoạt động độc lập, chỉ tập trung cáng đáng việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị cho thành phố. “Nếu nhân sự kiêm nhiệm như trước thì sẽ không làm nổi”, bác sĩ Vui nói.

Bác sĩ cho rằng đấu thầu tập trung quy mô lớn, bởi đội ngũ chuyên nghiệp sẽ giúp mua sắm được giá tốt, giá cả thống nhất, các y bác sĩ trong bệnh viện thay vì lo việc mua sắm thì sẽ có thời gian tập trung chuyên môn, phát triển các kỹ thuật mới, phục vụ cho người bệnh nhiều hơn.

Riêng với những thuốc hiếm, thuốc ít sử dụng cho bệnh nhân, các bác sĩ cho rằng nên có một trung tâm dự trữ, điều phối cấp quốc gia, bệnh viện nào cần thì liên hệ lấy thuốc, giúp bệnh nhân kịp thời điều trị trong thời gian vàng, thay vì từng nơi tự chủ động dự trữ như hiện nay.

Giám đốc một bệnh viện đa khoa hạng một cho rằng theo quy định, các bệnh viện phải làm dự trù kế hoạch mua sắm về danh mục thuốc, số lượng thuốc cho cả năm, trình lên các cơ quan quản lý phê duyệt. Nếu đã lên kế hoạch, mua sắm thuốc trong năm mà không dùng tới, để hết hạn thì bệnh viện phải chịu trách nhiệm. “Trong khi đó, với bệnh hiếm, có những lúc mua thuốc để trong kho thời gian dài thì lại không có bệnh nhân sử dụng, khi có bệnh nhân cần dùng tới thì năm đó lại có thể không dự trù sẵn thuốc”, bác sĩ này nói.

Lê Phương – Hoàng Thùy

Trả lời