Tận dụng ‘giai đoạn khẩu trang’ đi chỉnh răng, sửa mặt Leave a comment

Nhiều chị em tranh thủ niềng răng, chỉnh mũi, phẫu thuật thẩm mỹ trong giai đoạn phải đeo khẩu trang vì cho rằng sẽ che giấu vết tích “dao kéo”.

Bác sĩ Phùng Văn Thuận, giám đốc chuyên môn một trung tâm nha khoa ở Hà Nội, ước tính thời gian qua, lượng người thẩm mỹ răng nhiều hơn, tăng khoảng 30 đến 40% so với năm ngoái. Trong đó, khách nữ nhiều gấp ba lần nam, bởi nhiều người quan niệm “cái răng, cái tóc là góc con người”.

Bác sĩ cho rằng nhờ biện pháp đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng để phòng dịch đã trở thành thói quen hàng ngày, nhiều người quyết định điều trị chỉnh nha, không còn ngại ngần tình trạng hóp má, hóp thái dương hay sưng đau do nhổ răng hay e ngại mất thẩm mỹ trong thời gian đeo mắc cài, nhất là khi niềng răng kim loại, tính thẩm mỹ không cao.

Như Huyền Mai 27 tuổi, có ý định niềng răng từ 4 năm trước nhưng chần chừ vì sợ bất tiện trong công việc vốn phải gặp gỡ, giao tiếp nhiều. Mới đây, cô đến một phòng khám nha khoa tại Hà Nội để niềng răng, mong khắc phục tình trạng răng hô, không đều. Cô cũng mong việc thẩm mỹ này giúp chỉnh khớp cắn, răng không còn mọc lệch, từ đó tránh nguy cơ sâu răng.

“Tôi không ngần ngại gì nữa vì hiện nay ra ngoài đều đeo khẩu trang, không lo bị mọi người chú ý vào khuôn miệng đang đeo mắc cài”, Mai nói. Trước đây, cô thấy nhiều người niềng răng thường dùng tay che miệng khi cười do ngại mọi người nhìn. Như cô hiện nay, do luôn đeo khẩu trang khi giao tiếp nên nhiều người chưa biết cô chỉnh nha.

Mai cũng tự tin ra ngoài giao lưu, không sợ bị nhìn thấy khuôn mặt hóp nhiều, thậm chí sưng, đau do nhổ, kéo răng. “Đến lúc tháo niềng, biết đâu nhiều người sẽ ngạc nhiên vì không biết mình niềng lúc nào”, Mai hào hứng.





Nhiều người tranh thủ giai đoạn đeo khẩu trang phòng dịch để đi niềng răng. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Nhiều người tranh thủ giai đoạn đeo khẩu trang phòng dịch để đi niềng răng. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bên cạnh thẩm mỹ răng, nhiều người tranh thủ thực hiện các dịch vụ làm đẹp khác ở vùng mặt. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết hiện nhu cầu tạo hình và trẻ hóa vùng môi bằng tiêm chất làm đầy (filler) tăng cao ở bệnh viện. Lý do là đeo khẩu trang có thể giúp che giấu vùng môi trong những ngày đầu sau tiêm còn sưng nề nhiều, khiến bộ phận này chưa thể “vào dáng”, chưa đẹp ngay được.

Nhu cầu điều trị sẹo rỗ sau mụn ở vùng má hai bên với laser vi điểm bóc tách, lăn kim, tách đáy sẹo… cũng đang được nhiều người chọn, do không cần thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị. “Đồng thời, khẩu trang cũng giúp che các vết tích thẩm mỹ như đỏ da, sưng nề, bầm tím, đóng mài, tróc vảy… thường xuất hiện trong vài ngày đầu”, bác sĩ Tú nói.

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tài Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam, nhận định nhu cầu làm đẹp đang tăng trở lại sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch, cùng với cuộc sống “bình thường mới thích ứng với Covid”. Nhiều người lựa chọn thẩm mỹ vì có thời gian dưỡng thương, “nếu ra ngoài đã có khẩu trang” giúp che đi vết sưng, tím nên tự tin hơn. Không ít người tận dụng giai đoạn này để thay đổi diện mạo, mong có môi trường làm việc tốt hơn.

Thẩm mỹ ngoại khoa, can thiệp xâm lấn vào vùng mũi, môi, má được nhiều chị em lựa chọn. Ngọc, 28 tuổi phẫu thuật nâng mũi cuối năm ngoái, dù nung nấu ý định vài năm trước. “Tôi sợ đau, sưng, mất nhiều tháng để dáng mũi lên tự nhiên nhất nên trước đây không tự tin làm”, Ngọc nói. Sau phẫu thuật, phần đầu mũi bị sưng tím nhưng do đeo khẩu trang nên cô không bị ảnh hưởng mỗi khi ra ngoài. Ngọc cho rằng đây là thời điểm hợp lý vì làm mũi xong không thể đẹp được ngay, nếu không đeo khẩu trang mọi người sẽ hỏi nhiều.

Đến nay, sau hơn 4 tháng, vết sẹo dưới mũi không còn, cô tự tin với hình ảnh mới. “Bạn bè trêu làm mũi xong rồi cũng đeo khẩu trang, không ai thấy mũi đẹp, nhưng tôi nghĩ việc đầu tư này là đúng. Giờ tôi tự tin hơn khi mở khẩu trang ăn uống, chụp ảnh cùng mọi người”, Ngọc chia sẻ.





Tiêm vi điểm điều trị sạm da và trẻ hóa da tại Bệnh viện Da liễu TP HCM. Ảnh: Lan Anh

Tiêm vi điểm điều trị sạm da và trẻ hóa da tại Bệnh viện Da liễu TP HCM. Ảnh: Lan Anh

Theo phó giáo sư Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bên cạnh những trường hợp nâng mũi cao như Ngọc, nhiều người tranh thủ lúc đeo khẩu trang để can thiệp kéo dài mũi, thu cánh mũi, thu nền mũi, chỉnh đầu mũi, sẹo vùng mũi hay những bệnh lý da vùng mũi. Ngoài ra, các thẩm mỹ khác trên khuôn mặt cũng được ưa chuộng như điều trị sẹo môi, làm đầy môi mỏng, làm mỏng môi dầy, môi trái tim, xăm môi; tạo má lúm đồng tiền; cấy mỡ vùng mặt; chỉnh cằm lẹm, cằm nhô…

Giáo sư Sơn cảnh báo nhu cầu tăng kéo theo nguy cơ tai biến tăng cao, nhất là tiến hành thủ thuật ở các cơ sở trái phép, spa không có chức năng thẩm mỹ. Ngoài quy trình tại cơ sở chưa đảm bảo, người thực hiện không có kiến thức về thẩm mỹ, nhiều y bác sĩ “tay ngang”, không có chuyên môn, sinh viên chưa ra trường… cũng tiến hành thủ thuật thẩm mỹ dẫn đến tai biến, biến chứng, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng khách hàng.

Người có nhu cầu thẩm mỹ cần hiểu rõ spa chỉ có chức năng chăm sóc da và thực hiện các thủ thuật không xâm lấn qua da, bác sĩ khuyến cáo. Các thủ thuật ở vùng mặt như tiêm filler, nâng mũi, phẫu thuật thẩm mỹ… phải thực hiện ở phòng khám được cấp giấy phép. Người tiến hành phẫu thuật phải có chứng chỉ hành nghề, các chất làm đầy như filler, botox được Bộ Y tế cấp phép.

Song song với trách nhiệm của bác sĩ, người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ phải chủ động bảo vệ mình, luôn tỉnh táo, cảnh giác trước những mời gọi, quảng cáo “đại hạ giá” của các spa, thẩm mỹ viện. “Tuyệt đối không ham phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ để tránh tiền mất, tật mang”, giáo sư Sơn nói.

Thùy An – Lê Phương

Trả lời