Tăng đường huyết khi căng thẳng Leave a comment

Hormone cortisol được giải phóng vào máu khi căng thẳng khiến lượng đường huyết của bệnh nhân tiểu đường tăng cao, cần kiểm soát yếu tố nguy cơ này.

Một trong những tác động của căng thẳng là khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Do cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone cortisol, dẫn đến giảm tiết insulin. Insulin giúp đưa đường vào các tế bào từ máu, nơi nó được sử dụng để tạo năng lượng. Nếu không có sự giải phóng insulin, nhiều đường vẫn còn trong máu gây ra tình trạng mất cân bằng. Các triệu chứng của tăng đường huyết như rất khát, khô miệng, yếu ớt, đau đầu, đi tiểu thường xuyên, mờ mắt, buồn nôn, khó thở…

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đường huyết cả trực tiếp và gián tiếp. Tác dụng của nó cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh tiểu đường mà người bệnh mắc phải. Do đó, căng thẳng vừa nguy hiểm cho những người mắc bệnh tiểu đường vừa là yếu tố nguy cơ có thể phát triển bệnh.

Căng thẳng ở người mắc bệnh tiểu đường tuýp một

Căng thẳng có thể được chia thành hai loại gồm căng thẳng về tinh thần và căng thẳng về thể chất. Căng thẳng cảm xúc hoặc tâm lý có xu hướng bắt nguồn từ bên trong. Loại căng thẳng này có thể xảy ra vì nhiều lý do như lo lắng cho một cuộc phỏng vấn xin việc, bực bội khi kẹt xe, mất người thân…

Căng thẳng về thể chất đến từ các tác động bên ngoài như tập thể dục gắng sức, hoạt động thể chất kéo dài hoặc các chấn thương thể chất. Cả hai loại này khi trải qua thời gian dài, có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe và các bệnh như biến cố tim mạch, ung thư, ức chế hệ thống miễn dịch, tiểu đường.

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến những người bệnh tiểu đường tuýp một bằng cách làm tăng và giảm lượng đường trong máu. Trong trường hợp nó làm giảm lượng đường trong máu, căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến hội chứng là mệt mỏi tuyến thượng thận. Tình trạng này kéo dài làm cạn kiệt tuyến thượng thận, dẫn đến trạng thái cortisol thấp. Ở bệnh nhân tiểu đường tuýp một, việc sản xuất ít hormone như cortisol có thể gây ra sự mất cân bằng hormone điều chỉnh lượng đường trong máu.

Nghiên cứu của Đại học Mở (Anh) đã xem xét về việc căng thẳng có thể gây ra bệnh tiểu đường hay không. Kết quả cho thấy căng thẳng mạn tính góp phần làm khởi phát tiểu đường tuýp một ở những người dễ mắc bệnh này.





Đường huyết của người bệnh thường tăng cao khi căng thẳng. Ảnh: Freepik

Đường huyết của người bệnh thường tăng cao khi căng thẳng. Ảnh: Freepik

Căng thẳng ở người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai

Với bệnh nhân tiểu đường tuýp hai, mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến gia tăng lượng đường trong máu. Khi cortisol ở mức cao, nó sẽ làm cho các mô cơ thể ít nhạy cảm hơn với insulin. Do đó, lượng đường huyết có sẵn nhiều hơn trong máu. Khi điều này xảy ra, lượng đường trong máu sẽ mất cân bằng và có thể gây nguy hiểm, nhất là khi không được điều trị.

Căng thẳng cũng gián tiếp làm tăng lượng đường trong máu. Bởi khi stress, nhiều người có thể thay đổi những thói quen lành mạnh như ăn quá nhiều thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế, nhiều đường bổ sung khiến tăng đường huyết. Người bệnh đôi khi không tập thể dục hoặc uống thuốc đều đặn. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ vì căng thẳng và giấc ngủ đều được kiểm soát bởi trục dưới đồi tuyến yên – tuyến thượng thận. Ngủ không đủ giấc có khả năng gây ra chứng không dung nạp glucose, khiến lượng đường trong máu tăng cao.

Cách quản lý căng thẳng

Đối với người bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng đột biến có thể nguy hiểm vì có quá nhiều đường trong máu đi vào nước tiểu. Điều này kích hoạt cơ thể lọc chất lỏng, dẫn đến mất nước hoặc hôn mê do tiểu đường. Trong trường hợp lượng đường trong máu tăng đột biến do các tác nhân gây căng thẳng không thể kiểm soát được, người bệnh nên ưu tiên quản lý lượng đường trong máu. Bạn có thể tập trung vào kiểm soát chế độ ăn uống và tập thể dục, kiểm tra đường huyết thường xuyên và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Một số dạng căng thẳng không thể được quản lý, nhất là khi chúng không thường xuyên như tai nạn, biến cố gia đình… Còn với áp lực do công việc, chăm con…, bạn nên học cách để quản lý. Chuẩn bị sẵn sàng cho những tác nhân gây căng thẳng thường xuyên trong cuộc sống và quản lý thời gian, đọc những cuốn sách hướng dẫn hoặc giảm thiểu chúng sẽ có ích. Các bài tập giúp tĩnh tâm như yoga và thiền cũng có thể làm giảm mức độ stress. Bạn cũng cần tránh các hành vi không lành mạnh như ăn quá nhiều, uống rượu bia…. Điều này có thể làm dịu cảm xúc cho bạn lúc đó nhưng không giúp bớt căng thẳng đang gặp phải.

Đặt các mục tiêu thực tế và có thể kiểm soát là cách giảm căng thẳng cho những người mắc bệnh tiểu đường. Thay vì tập trung vào một mục tiêu lớn và mơ hồ như giảm cân, bạn đặt mục tiêu đi bộ ít nhất nửa giờ mỗi ngày vào những ngày cụ thể trong tuần để dễ đạt kết quả hơn.

Kim Uyên
(Theo Very Well Health)

Trả lời