Thai lạc trong gan Leave a comment

TP HCMNgười phụ nữ 26 tuổi, đau bụng âm ỉ nhiều ngày, khám ở ba cơ sở y tế mới biết thai 7 tuần làm tổ trong gan gây chảy máu.

Chị từng sinh mổ năm 2019 và sảy thai một lần. Lần này chị không phát hiện bị trễ kinh, đau bụng ngày càng dữ dội, bác sĩ phòng khám tư nghi ngờ chị đau đại tràng, khuyên theo dõi và không điều trị. Vài ngày sau vẫn đau nhiều, chị đến một phòng khám tư khác, bác sĩ phát hiện có thai ở góc gan và đề nghị chị đến Bệnh viện Sản Nhi Trà Vinh gấp. Nhận định tình trạng người bệnh nguy hiểm và vượt quá khả năng chuyên môn, bệnh viện Trà Vinh chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM).

Bác sĩ ở Từ Dũ chẩn đoán phôi thai kích thước 4-5 cm và khoảng 6-7 tuần tuổi đang phát triển nhưng nằm sâu bên trong phân thùy gan của bệnh nhân, có đầy đủ cấu trúc, tim thai đang đập. Ổ bụng thai phụ có dịch – dấu hiệu thai đang chảy máu. Ở tình trạng này, khối thai có thể vỡ bất cứ lúc nào, dẫn đến tình trạng vỡ gan, chảy máu ổ bụng.





Vị trí túi thai lạc (khoanh tròn đỏ) là nằm sâu trong thuỳ gan 6. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Vị trí túi thai lạc (khoanh tròn đỏ) là nằm sâu trong thùy gan 6. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Trần Ngọc Hải, phó giám đốc bệnh viện, cho biết vỡ gan là tình huống rất nguy hiểm vì nhu mô gan mềm, khó có thể cầm máu bằng cách thắt, cột như ở các tạng khác. Khi máu đã tràn ổ bụng lượng nhiều, các bác sĩ rất khó có thể tìm được điểm chảy máu. Nếu không cầm máu được buộc phải cắt một phần gan, đồng thời truyền bù máu khối lượng lớn, thậm chí có thể tổn thương các cơ quan lân cận trong cuộc mổ. Người bệnh đứng trước nguy cơ tử vong trong hoặc sau mổ.

Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ hội chẩn với đồng nghiệp tại khoa Gan mật, Bệnh viện Chợ Rẫy tìm hướng can thiệp tốt nhất và đề nghị hỗ trợ phẫu thuật. Ê kíp mổ nội soi thám sát đánh giá tình trạng khối thai trước, tùy tình trạng thực tế sẽ quyết định sẽ nội soi hay chuyển sang mổ hở lấy khối thai. Tuy nhiên, khối thai ăn sâu vào trong cấu trúc nhu mô gan, ổ bụng đã chảy khoảng một lít máu tươi lẫn cục nên ê kíp bắt buộc phải chuyển sang mổ hở. Bệnh nhân phải truyền 1,5 lít máu, khối thai được lấy ra toàn bộ, phần gan bị xâm lấn cũng được cầm máu an toàn. Hiện, sau 4 ngày hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể đi lại, ăn uống bình thường.

Theo bác sĩ Hải, vì thai lạc trong ổ bụng không ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản nên người bệnh không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, vẫn có thể mang thai lần sau.





Vết mổ hở trên bụng bệnh nhân đã khô ráo, dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: Thư Anh

Bác sĩ kiểm tra vết mổ của bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: Thư Anh

Thai trong đi lạc ổ bụng là trường hợp cấp cứu sản khoa hiếm gặp, chiếm khoảng 1% trong các ca mang thai. Gần 20 năm qua Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận điều trị 23 ca thai lạc trong ổ bụng, ở vách chậu, buồng trứng, mạch máu… Trong đó, thai lạc trong gan là nguy hiểm và hiếm nhất, không thể thống kê tỷ lệ cụ thể. Bác sĩ Trương Thị Hoa, Trưởng khoa Sản N2, cho biết thai nhi lạc chỗ, nằm ngoài lòng tử cung thì bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ bằng thuốc điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.

Năm 2007, Bệnh viện Từ Dũ từng tiếp nhận một ca tương tự nhưng không may mắn bằng, mất cả mẹ lẫn con, khi ấy thai nhi 22 tuần tuổi nặng 600 g, người mẹ bị xuất huyết nội tạng trước khi phẫu thuật, tử vong trong ca mổ vì không thể cầm máu.

Các bác sĩ khuyến cáo khi trễ kinh 2-3 tuần, que thử thai hiện hai vạch thì phải đi khám để biết có mang thai hay không, đồng thời xem thai ở vị trí nào, bao nhiêu túi thai. Nếu siêu âm không thấy thai trong tử cung, bác sĩ sẽ can thiệp sớm, tránh biến chứng vỡ túi thai chảy máu ồ ạt nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.

Thư Anh – Duy Thuy

Trả lời