Thiếu kẽm ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ thế nào? Leave a comment

Suy dinh dưỡng, thấp còi, biếng ăn… là những bệnh thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi, có thể do thiếu kẽm kéo dài.

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết, bên cạnh sắt, canxi cũng như nhiều vi chất dinh dưỡng khác, kẽm là thành phần không thể thiếu đối với cơ thể trẻ trong những năm đầu đời. Kẽm tham gia vào quá trình chuyển hóa, tăng trưởng chiều cao, cân nặng, phát triển hệ thần kinh, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ trong những năm đầu đời.

Nếu cơ thể thiếu kẽm, đặc biệt trong thời gian dài, trẻ có thể đối mặt với các nguy cơ sức khỏe. Đó là ăn không ngon miệng, biếng ăn, lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất, nhất là chiều cao; tóc dễ gãy rụng; móng tay, móng chân giòn, yếu và dễ gãy; rối loạn giấc ngủ, hành vi.

Trẻ có thể có hệ miễn dịch bị suy yếu, dễ mắc các bệnh về da (vẩy nến, mụn trứng cá, viêm da cơ địa…), các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm trùng tiêu hóa, hô hấp…), thậm chí gia tăng nguy cơ cao tử vong. Thiếu kẽm cản trở khả năng nhận thức, ghi nhớ ảnh hưởng xấu đến việc học tập hay khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ. Thiếu kẽm cũng là nguyên nhân gây ra chứng khó đọc ở bé.





Thiếu kẽm lâu ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, học tập của trẻ. Ảnh: Shutterstock.

Thiếu kẽm lâu ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, học tập của trẻ. Ảnh: Shutterstock.

Bác sĩ Trà Phương cho biết, theo số liệu điều tra dinh dưỡng toàn quốc của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 10 trẻ em dưới 6 tuổi có đến 7 trẻ bị thiếu kẽm (chiếm khoảng 70%). Đây là con số đáng quan tâm về tình trạng thiếu kẽm ở trẻ nhỏ cần được can thiệp kịp thời để tránh những hậu quả sau này. Trong đó, trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng thiếu cân, sinh non, không được bú sữa mẹ, mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, ở tuổi học đường… thuộc nhóm trẻ có nguy cơ bị thiếu kẽm cao nhất.

Dấu hiệu thiếu kẽm biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo cơ địa của trẻ. Trong đó, có thể kể đến các dấu hiệu phổ biến như: vết thương khó lành, tiêu chảy mạn tính, mắc các bệnh lý về da (eczema, bệnh vẩy nến, mụn trứng cá), chậm lớn còi cọc, tóc rụng nhiều, móng giòn yếu và dễ gãy, có đốm trắng ở lòng móng, dễ bị dị ứng, biếng ăn, da khô, thiếu máu…

Chia sẻ về nguyên nhân gây thiếu kẽm, bác sĩ Trà Phương cho biết, lượng kẽm trong cơ thể thường chiếm khoảng 2-3 gram và phân bổ ở nhiều bộ phận quan trọng như: tinh hoàn, tóc, xương, gan, thận, cơ vân, da và não. Tuy nhiên, kẽm thường không dự trữ lâu, có đời sống sinh học khá ngắn (khoảng 12,5 ngày) nên cơ thể trẻ dễ bị thiếu nếu khẩu phần ăn hàng ngày thiếu các thực phẩm giàu kẽm (thực phẩm có nguồn gốc động vật), cách chế biến thức ăn không hợp lý (làm mất hàm lượng kẽm trong thức ăn).





Trẻ suy dinh dưỡng, thiếu cân nằm trong nhóm nguy cơ thiếu kẽm cao. Ảnh: Shutterstock

Trẻ suy dinh dưỡng, thiếu cân nằm trong nhóm nguy cơ thiếu kẽm cao. Ảnh: Shutterstock

Ngoài ra, các bệnh lý đường tiêu hóa như ruột ngắn, lỗ rò ruột, tiêu chảy, bị bỏng cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt kẽm ở trẻ em. Ngoài ra, nếu trong suốt thai kỳ và sau khi sinh, lượng kẽm người mẹ cung cấp cho cơ thể không đủ nhu cầu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu kẽm ở trẻ.

Nhu cầu kẽm ở mỗi trẻ không giống nhau và phụ thuộc vào các yếu tố như: độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe… Dưới đây là nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho trẻ nhỏ 0 – 18 tuổi bởi Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Độ tuổi, giới tính

Nhu cầu kẽm hàng ngày (mg/ngày)

0 – 6 tháng

1,1 – 6,6

7 – 11 tháng

0,8 – 8,3

1 – 3 tuổi

2,4 – 8,4

4 – 6 tuổi

3,1 – 10,3

7 – 9 tuổi

3,3 – 11,3

Nam 10 – 18 tuổi

5,7 – 19,2

Nữ 10 – 18 tuổi

4,6 – 15,5

Mặc dù kẽm quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ, tuy nhiên, nếu phụ huynh cho trẻ bổ sung quá nhiều kẽm so với hàm lượng cho phép sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc kẽm. Biểu hiện ở hệ miễn dịch suy giảm, chảy máu đường tiêu hóa, giảm lượng cholesterol tốt dẫn đến một số vấn đề về tim mạch…

Theo đó, bác sĩ Trà Phương khuyến cáo, để đảm bảo cung cấp đủ và an toàn lượng kẽm theo nhu cầu của trẻ, bố mẹ cần đưa con đi khám, thực hiện xét nghiệm vi chất bằng máy UPLC để xác định chính xác hàm lượng các vi chất mà cơ thể trẻ đang thiếu hụt. Dựa trên kết quả thăm khám, xét nghiệm, các chuyên gia sẽ tư vấn, hướng dẫn bố mẹ cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lựa chọn thực phẩm giàu kẽm, chế biến món ăn đúng cách để cơ thể trẻ hấp thu tối ưu lượng kẽm từ thực phẩm. Từ đó, bác sĩ hỗ trợ phòng ngừa, điều trị thiếu kẽm, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Anh Thư

Trả lời