Thiếu máu do suy thận Leave a comment

Thiếu máu ở người bệnh suy thận mạn là tình trạng liên quan đến suy giảm chức năng thận, kèm các rối loạn huyết học, rối loạn hormone và dạ dày ruột.

Thận là một trong những cơ quan quan trọng bậc nhất trong cơ thể. Nếu cơ quan này bị tổn thương và suy giảm chức năng, sẽ gây ra hàng loạt rối loạn chức năng cơ quan khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của người bệnh. TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, các chức năng của thận bao gồm:

Thải độc: Với vai trò này, thận không ngừng lọc máu, sau đó đưa các chất thải vào nước tiểu và bài tiết ra ngoài. Tổng lượng máu thận phải lọc mỗi ngày lên đến 180 – 200 lít.

Chuyển hóa vitamin D: Vitamin D sau khi được cơ thể hấp thụ qua da, sẽ di chuyển đến gan và thận. Tại đây, chúng được chuyển hóa thành vitamin D1, D2, D3… Những vitamin D này chịu trách nhiệm hấp thu canxi, củng cố hệ xương.

Thận còn phụ trách điều chỉnh huyết áp, nội tiết, thần kinh… Vì vậy, một khi mắc bệnh suy thận, chức năng của các cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng, làm người bệnh mất hoặc suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân cũng như khả năng lao động.





Sơ đồ tạo ra hồng cầu. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Sơ đồ tạo ra hồng cầu. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Tạ Phương Dung cho biết, một trong những chức năng quan trọng của thận là tạo ra enzym erythropoietin. Thiếu hụt enzym này là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu ở người bệnh thận. Thống kê cho thấy tỷ lệ người bệnh thận mạn bị thiếu máu ở giai đoạn 1-2 là 43% và giai đoạn 3-5 là 57%. Để sản xuất ra tế bào máu, hay còn gọi là hồng cầu, ngoài các axit amin, vitamin, chất sắt…, cơ thể còn cần cung cấp enzym erythropoietin để tủy xương hoạt động. 90% lượng enzym erythropoietin cần thiết cho nhu cầu của cơ thể được tạo ra tại thận và số ít còn lại được sản xuất ở gan. Vì vậy, những người mắc bệnh suy thận sẽ giảm sản xuất enzym erythropoietin, dẫn đến giảm sinh tế bào hồng cầu, gây thiếu máu. Thiếu máu ở người bệnh thận mạn làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng phì đại thất trái và suy tim sung huyết, đẩy nhanh tốc độ phát triển thành suy thận giai đoạn cuối.

Bên cạnh sự thiếu sản xuất enzym erythropoietin, nguy cơ thiếu máu ở người bệnh thận mạn còn xảy ra do suy dinh dưỡng, thiếu sắt, người bệnh mắc bệnh đường tiêu hóa mạn tính, viêm mạn tính, hoặc trong trong chu kỳ chạy thận nhân tạo bị mất máu mạn tính….





Những người mắc bệnh suy thận sẽ giảm sản xuất enzym erythropoietin, dẫn đến giảm sinh tế bào hồng cầu, gây thiếu máu. Ảnh: Shutterstock

Những người mắc bệnh suy thận sẽ giảm sản xuất enzym erythropoietin, dẫn đến giảm sinh tế bào hồng cầu, gây thiếu máu. Ảnh: Shutterstock

Khi bị thiếu máu, người bệnh sẽ mệt mỏi, mất ngủ, suy giảm nhận thức; nhịp tim nhanh và suy tim; tiểu ít, tăng huyết áp… Các triệu chứng nhận biết toàn thân là da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt. Đồng thời, xuất hiện các dấu hiệu của hội chứng Ure máu cao như chán ăn, buồn nôn và ói mửa… Tình trạng này gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ Phương Dung cho biết, khi nồng độ huyết sắc tố hemoglobin Hb dưới 100g/L thì người bệnh suy thận mạn sẽ được chỉ định điều trị thiếu máu. Mục tiêu điều trị là đưa nồng độ Hb về đến 11g/dL – 12g/dL (Hct 33% – 36%) trong vòng 1 tháng, kể từ khi bắt đầu điều trị bằng erythropoietin. Theo đó, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các loại erythropoietin. tùy tình trạng cụ thể mà thuốc sẽ được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.

Bác sĩ Phương Dung lưu ý, người bệnh cần kiểm tra nồng độ Hb hàng tháng hoặc nửa tháng một lần, để xem xét hiệu quả và kịp thời điều chỉnh liều lượng erythropoietin; đồng thời kiểm soát nồng độ Hb, không để vượt quá 13 g/dl, có thể gây tử vong do bệnh tim mạch. Ngoài ra, kiểm soát tốt bệnh suy thận cũng là phương pháp điều trị thiếu máu do thận hiệu quả. Người bệnh nên thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh lý cao huyết áp, tiểu đường, suy thận. Người mắc các bệnh mạn tính cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc.

Đối với thói quen sống hàng ngày, nên cung cấp đủ nước cho cơ thể, lượng nước này bao gồm nước uống, nước có trong các loại thực phẩm như canh, súp…; thường xuyên tập thể dục vừa sức; giảm muối trong ăn uống; bỏ thuốc lá…

Trung tâm Tiết niệu Thận học – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa, sở hữu những kỹ thuật mới nhất giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thận, đường tiết niệu, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Phi Hồng

Trả lời