Thiếu máu do trĩ – VnExpress Sức khỏe Leave a comment

Lượng máu mất đi khi đại tiện do trĩ thường ít nên nếu không chú ý người bệnh dễ bỏ qua, lâu dần thành mạn tính, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Trĩ là một bệnh lý nội khoa phổ biến, xảy ra khi các cụm tĩnh mạch bên trong trực tràng và hậu môn bị sưng, phồng lên do chịu áp lực liên tục trong một thời gian dài hoặc các dây thần kinh của hậu môn bị chèn ép quá mức.

Trong sinh hoạt hằng ngày, người bị trĩ gặp nhiều khó khăn như đau khi đi đại tiện, đau khi ngồi. Trĩ còn làm tăng nguy cơ phát triển nhiều biến chứng như sa nghẹt búi trĩ, viêm nhiễm ở hậu môn và khu vực xung quanh, nhiễm trùng huyết… Trong đó, thiếu máu thiếu sắt là một trong những biến chứng thường gặp nhưng ít được chú ý.





Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trĩ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trĩ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, biến chứng thiếu máu do trĩ xảy ra chủ yếu do lượng máu mất đi qua mỗi lần đại tiện ít, người bệnh không chú ý và hay bỏ qua. Lâu dần thiếu máu do trĩ sẽ phát triển thành mạn tính. Mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng người bệnh thường xuyên rơi vào tình trạng kiệt sức, suy nhược, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Khi bệnh trĩ tiến triển nặng có thể xuất hiện tình trạng vỡ búi trĩ. Lúc này, khi người bệnh đi tiêu, máu có thể chảy thành từng giọt hoặc tia, nghiêm trọng hơn là búi trĩ hình thành huyết khối. Người bệnh có thể chảy máu, kèm theo đau rát hậu môn kể cả khi chỉ đứng, ngồi xổm hoặc đi lại mà không có va chạm hoặc tác động nào. Ở những trường hợp này có thể phải truyền máu hoặc nhập viện điều trị.

Bác sĩ Hậu cho biết thêm, trong tất cả các loại trĩ, trĩ nội và trĩ hỗn hợp là hai trường hợp dễ gây xuất huyết nhất. Người bệnh khi bị trĩ nội và trĩ hỗn hợp đi tiêu có thói quen rặn quá mức và phân khô rắn sẽ ma sát vào búi trĩ nằm bên trong hậu môn, làm vỡ các thành mạch búi trĩ gây chảy máu.

Xuất huyết do trĩ ở nam giới thường nghiêm trọng hơn nữ. Nguyên nhân là do đường hậu môn ở nữ không sâu, trĩ nội sớm lòi ra ngoài, giúp phát hiện và điều trị sớm. Trong khi đó, đường hậu môn ở nam giới sâu hơn nên khó phát hiện. Khi tiêu ra máu thì búi trĩ đã rất to, mất máu nhiều và khó điều trị.

Điều trị thiếu máu do trĩ

Theo đó, bác sĩ Hậu, điều trị thiếu máu do trĩ chủ yếu nhắm vào hai mục tiêu gồm khôi phục lượng máu đã mất và ngăn ngừa trĩ phát triển nặng. Để đạt được mục tiêu này, bác sĩ Hậu khuyên người bệnh nên chú trọng chế độ dinh dưỡng.

Những thực phẩm có hàm lượng sắt cao thường gây nóng trong, dẫn đến táo bón. Để điều trị thiếu máu do trĩ và ngăn ngừa táo bón, người bệnh cần đồng thời bổ sung thực phẩm giàu chất sắt có trong thịt bò, sò huyết… và thực phẩm giàu chất xơ từ rau củ quả, chất béo lành mạnh từ các loại hạt, sữa và chế phẩm từ sữa….





Thực phẩm giàu collagen tốt cho người mắc bệnh trĩ. Ảnh Shutterstock

Thực phẩm giàu collagen tốt cho người mắc bệnh trĩ. Ảnh Shutterstock

Sự thiếu hụt collagen tại vùng hậu môn trực tràng làm các mô đệm ống hậu môn mất khả năng đàn hồi, gây giãn mạch máu và dây chằng treo trĩ. Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm giàu collagen như hải sản, xương hầm, thịt gà, rau củ quả có màu xanh đậm… Thói quen vận động hợp lý cũng phù hợp với người bệnh trĩ, giúp cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa, đi tiêu đều đặn và phòng ngừa nguy cơ bệnh nặng thêm.

Phi Hồng

Trả lời