Thiếu ngủ hại cơ thể thế nào? Leave a comment

Các cơ quan trong cơ thể có thể bị giảm năng suất hoạt động nếu bạn thiếu ngủ và bị mất ngủ kéo dài.

Cơ thể bạn cần ngủ đủ vì đây là thời gian tự chữa lành và khôi phục sự cân bằng trao đổi chất của các cơ quan bên trong. Trong lúc ngủ, não bộ sẽ tạo các kết nối suy nghĩ mới, giúp duy trì trí nhớ. Các nghiên cứu cho thấy, người trưởng thành ngủ 7-9 giờ có thể đủ năng lượng cho ngày mới. Ngủ không đủ giấc sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nếp sinh hoạt, công việc và sức khỏe tổng thể.

Ngủ thiếu giấc có thể khiến não và các cơ quan bên trong cơ thể hoạt động bất thường, tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Các dấu hiệu thiếu ngủ như buồn ngủ quá mức, ngáp thường xuyên, cáu gắt, ban ngày mệt mỏi. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra mối liên hệ giữa giấc ngủ kém chất lượng và các vấn đề sức khỏe, nhất là các hệ cơ quan trong cơ thể sau đây.

Hệ thần kinh trung ương

Hệ thống thần kinh trung ương được ví như đường cao tốc chính dẫn truyền các thông tin của toàn cơ thể. Hệ thần kinh trung ương hoạt động bình thường nhờ cơ thể ngủ đủ giấc. Trong khi ngủ, các đường dẫn hình thành giữa các tế bào thần kinh trong não giúp bạn ghi nhớ thông tin mới đã học. Chứng mất ngủ mạn tính có thể khiến cơ thể gửi và xử lý thông tin bị gián đoạn. Thiếu ngủ khiến não kiệt sức, dẫn đến bất ổn khi đang làm nhiệm vụ.





Thiếu ngủ gây giảm chất lượng sinh hoạt ban ngày và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh hệ thần kinh trung ương. Ảnh: Freepik

Thiếu ngủ gây đau đầu, có nguy cơ mắc các bệnh hệ thần kinh trung ương. Ảnh: Freepik

Người mắc chứng thiếu ngủ thường gặp phải vấn đề khó tập trung, khó học điều mới, chậm phản ứng làm giảm khả năng hợp tác giữa tín hiệu của não bộ đến hành động cơ thể. Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần người bệnh; gây mất cân bằng cảm xúc như dễ mất kiên nhẫn và thường thay đổi tâm trạng; khó đưa ra quyết định và sáng tạo trong công việc.

Đôi khi, người thiếu ngủ mạn tính vô thức ngủ gục trong vài giây đến vài chục giây. Điều này có thể nguy hiểm nếu bạn đang tham gia giao thông hoặc làm việc nặng nhọc như vận hành máy móc. Tình trạng thiếu ngủ diễn ra quá lâu có thể khiến người bệnh gặp ảo giác, gây hưng cảm ở người bị chứng rối loạn lưỡng cực và tăng nguy cơ mắc các chứng tâm lý khác.

Hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch giúp sản xuất các chất chống nhiễm trùng cho cơ thể lúc đang ngủ như các kháng thể và cytokine, chống lại các vi khuẩn và virus “xâm lược” cơ thể. Từ đó, cơ thể sẽ khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt. Do đó, thiếu ngủ có thể gây giảm sinh kháng thể, người dễ bị bệnh hơn và có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi thể trạng sau khi bệnh. Thiếu ngủ mạn tính cũng gây tăng mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim…

Hệ hô hấp

Giấc ngủ và hệ hô hấp được các nhà khoa học cho biết ảnh hưởng nhau mật thiết. Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) có thể gây gián đoạn giấc ngủ. Người thức thâu đêm có nguy cơ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh và cảm cúm. Người mắc bệnh hô hấp không ngủ đủ giấc cũng có thể lâu phục hồi thể trạng, trở nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe phổi.

Hệ tiêu hóa

Bên cạnh nếp ăn uống thiếu khoa học và ít vận động thể chất, thiếu ngủ là yếu tố nguy cơ khác gây thừa cân và béo phì. Hai hormone leptin và ghrelin sẽ hoạt động tối ưu, giúp kiểm soát cảm giác đói và no khi ngủ đủ giấc. Hormone leptin cho biết bạn đã ăn đủ. Khi ngủ thiếu giấc, não bạn sẽ giảm sản xuất leptin và tăng ghrelin gây kích thích thèm ăn, tạo thói quen ăn đêm và gây hại cho hệ tiêu hóa.

Thiếu ngủ cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi thường xuyên, dần giảm hiệu suất vận động thể chất hoặc lười tập luyện. Cơ thể tiết ít insulin sau ăn và giảm khả năng dung nạp glucose ở người thiếu ngủ gây tăng nguy cơ mắc bệnh đường huyết, đái tháo đường và béo phì.

Hệ tim mạch

Ngủ đủ giấc giúp quả tim và hệ mạch máu khỏe mạnh, hỗ trợ quá trình lưu thông đường huyết, huyết áp và kiểm soát các vấn đề viêm nhiễm. Hệ tim mạch vận hành ổn định sẽ giúp chữa lành và phục hồi các bộ phận liên quan trong hệ tim mạch. Một phân tích tại Trung Quốc công bố trên tạp chí Tim mạch dự phòng châu Âu đã liên kết chứng mất ngủ và việc tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, cho thấy những người ngủ không đủ giấc dễ mắc bệnh tim mạch hơn.

Hệ nội tiết

Quá trình sản xuất hormone phụ thuộc vào giấc ngủ. Ví dụ, bạn cần ngủ ít nhất 3 giờ liên tục để sản xuất testosterone. Do đó, thiếu ngủ hoặc thức đêm có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tăng trưởng tại tuyến yên ở trẻ em, thanh thiếu niên. Thiếu hormone tăng trưởng có thể gây hụt khối lượng cơ, suy yếu khả năng phục hồi của các tế bào và mô trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu giấc ngủ khuyến nghị, người trưởng thành từ 18-64 tuổi thực hành thói quen ngủ đủ giấc 7-9 giờ mỗi đêm có thể tự khắc phục chứng thiếu ngủ. Một số cách cũng có thể giúp bạn trở lại nhịp ngủ lành mạnh, như hạn chế nạp caffeine ít nhất 4 giờ trước khi đi ngủ; hạn chế nạp các chất kích thích, rượu bia.

Bạn cũng có thể dành một giờ trước khi ngủ thực hiện các hoạt động thư giãn như đọc sách, tắm và ngâm chân nước ấm, dừng sử dụng các thiết bị điện tử. Thực hành ngủ và thức cùng thời điểm mỗi ngày cũng là cách cơ bản giúp tạo nên giấc ngủ chất lượng hơn. Bạn nên tránh các bữa ăn nặng vài giờ trước khi đi ngủ để hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi và phục hồi. Thực hiện thể dục thường xuyên và tránh tập nặng trước giờ ngủ cũng là cách hiệu quả giúp ngủ ngon hơn.

Nếu vẫn gặp các vấn đề về giấc ngủ về đêm gây ảnh hưởng năng suất làm việc hằng ngày, bạn nên thăm khám sớm với bác sĩ để kiểm tra sức khỏe, tìm ra nguyên nhân gây cản trở nhịp ngủ. Người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ có thể được kê toa thuốc hoặc khuyến nghị dùng thiết bị hỗ trợ mở đường thở buổi đêm để điều trị chứng rối loạn giấc ngủ.

Mai Chi
(Theo Healthline)

Trả lời