Thiếu nữ hoại tử cằm sau thẩm mỹ giống thần tượng Leave a comment

Hà NộiMê mẩn chiếc cằm V-line của một nữ diễn viên, cô gái 20 tuổi tiêm filler vào cằm để giống thần tượng, song gặp biến chứng phải nhập viện điều trị.

Ca bệnh này được bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương, chia sẻ tại Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 5, ngày 23/7.

Theo đó, sau tiêm filler tại một spa, cằm của cô gái bị lệch, vùng tiêm có dấu hiệu hoại tử, lổn nhổn u cục. Bác sĩ xác định lượng chất làm đầy (filler) được tiêm quá nhiều, vượt quá chỉ định cho phép, gây biến chứng trên.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, người bệnh được “chữa cháy” bằng cách nạo vét các vùng tổn thương. Sau ca mổ, cô gái phải chấp nhận vết sẹo ngang cằm, đặc biệt vùng tiêm có hiện tượng xơ hóa nên khó có cơ hội làm đẹp vùng cằm lần nữa.

Theo bác sĩ Sơn, đây chỉ là một trong hàng trăm ca thẩm mỹ bị biến chứng nặng nề như tắc mạch, mù mắt nhập đơn vị này điều trị.

“Họ lựa chọn làm đẹp tại các cơ sở nhỏ lẻ bên ngoài, khi có biến chứng sẽ đến bệnh viện để giải quyết hậu quả”, bác sĩ Sơn nói và dẫn chứng thêm một ca bệnh mới đây là nữ sinh 16 tuổi (quê Bắc Kạn) bị mù mắt phải do tiêm filler nâng mũi ở spa người quen.

Ngay sau tiêm, cô gái xuất hiện đau đầu, nhức mắt, uống thuốc giảm đau và chủ quan không đi khám. Một ngày sau, cô nhìn mờ, song do đến viện quá muộn, mắt phải của bệnh nhân không thể phục hồi thị lực.





Một bệnh nhân nghe tư vấn tiêm filler tại Bệnh viện Da liễu Trung Ương. Ảnh:Lê Nga.

Một bệnh nhân nghe tư vấn tiêm filler tại Bệnh viện Da liễu Trung Ương. Ảnh: Lê Nga.

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay tai biến trong thẩm mỹ thường là do sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng thời gian sử dụng (như dùng sản phẩm chứa corticoid kéo dài), nhân viên y tế không được đào tạo bài bản; nhiều cơ sở hoạt động không phép. Thậm chí, có những cơ sở không nhận biết được dấu hiệu tai biến, do đó, không đánh giá đúng nguy cơ, xử lý sai cách. Điều này khiến bệnh nhân lỡ thời gian vàng cấp cứu, để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

“Với những can thiệp như tiêm chất làm đầy không đúng cách cũng dẫn đến lệch các vị trí trong khuôn mặt, nghiêm trọng hơn có thể gây mù do filler gây tắc mạch máu…”, bác sĩ Doanh nói và thêm rằng việc điều trị filler đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ đã được đào tạo, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng mặt, đặc biệt hệ thống mạch máu phức tạp bên dưới.

Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, đánh giá nhu cầu làm đẹp đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc xuất hiện nhiều “bác sĩ tay ngang”, thậm chí nhân viên spa cũng làm thẩm mỹ, các cơ sở làm đẹp mọc lên tràn lan, chiêu trò quảng cáo, khiến tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến ngày càng tăng.

Lê Nga

Trả lời

1.4502