Thời điểm đi ngủ tốt cho tim Leave a comment

Một nghiên cứu cho biết đi ngủ lúc 22-23 giờ có thể là thời điểm lý tưởng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng đi ngủ trước 10 giờ tối, hoặc từ nửa đêm trở đi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim gần 25%. Nhóm tác giả cho biết nguy cơ gia tăng có thể bắt nguồn từ sự thay đổi nhịp sinh học của cơ thể.

“Hệ thống sinh học kiểm soát nhịp điệu hành vi và sinh lý hàng ngày. Sự gián đoạn nhịp sinh học có những tác động lớn, dẫn đến hiệu suất nhận thức kém hơn, tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm cả rối loạn tim mạch”, trưởng nhóm nghiên cứu David Plans, giảng viên cao cấp về khoa học thần kinh tại Đại học Exeter, Anh, cho biết.

Đồng hồ trung tâm trong não kiểm soát nhịp sinh học khắp cơ thể, được hiệu chỉnh bằng cách tiếp xúc với ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng ban mai, được phát hiện bởi các thụ thể trong mắt, Plans giải thích.

Khi phát hiện ra ánh sáng ban mai, đồng hồ sẽ được hiệu chỉnh lại. Vì vậy, nếu một người đi ngủ rất muộn, họ có thể ngủ quên và bỏ lỡ khoảng thời gian quan trọng của ánh sáng buổi sớm. Nếu điều này xảy ra trong một thời gian dài, nhịp sinh học sẽ bị gián đoạn. Do đó, sẽ có những ảnh hưởng đến nhịp điệu hành vi và sinh lý khác, có thể gây hại cho sức khỏe.





10 giờ tối là thời điểm thích hợp để đi ngủ, giúp cơ thể tái tạo năng lượng. Ảnh: Freepik

10 giờ tối là thời điểm thích hợp để đi ngủ, giúp cơ thể tái tạo năng lượng. Ảnh: Freepik

Plans và các đồng nghiệp đã nghiên cứu dữ liệu của hơn 88.000 nam giới và phụ nữ từ năm 2006 đến 2010, độ tuổi trung bình 61. Nhóm nhà khoa học thu thập thông tin về thời điểm các tình nguyện viên đi ngủ, thức dậy trong hơn một tuần bằng cách sử dụng gia tốc kế đeo trên cổ tay. Những người tham gia cũng hoàn thành bảng câu hỏi về lối sống và sức khỏe.

Trong thời gian theo dõi trung bình gần 6 năm, 3,6% số người tham gia đã xuất hiện dấu hiệu nguy cơ bệnh tim. Hầu hết những người này đều đi ngủ vào lúc nửa đêm hoặc muộn hơn. Những người ít có nguy cơ mắc bệnh tim nhất đi ngủ từ 22 giờ đến 22 giờ 59. Các nhà nghiên cứu còn nhận thấy những người đi ngủ từ 23 giờ đến 23 giờ 59 có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 12% và những người đi ngủ trước 22 giờ có nguy cơ cao hơn 24%.

Tuy nhiên, Plans cảnh báo rằng nghiên cứu này không thể chứng minh rằng thời gian đi ngủ gây bệnh tim nhưng nếu được xác nhận, có khả năng là một yếu tố nguy cơ có thể xảy ra.

Harly Greenberg, trưởng bộ phận Bệnh phổi, chăm sóc nghiêm trọng và y học giấc ngủ tại Northwell Health, New Hyde Park, Mỹ, không tham gia vào nghiên cứu nhưng bình luận về kết quả nghiên cứu. Ông cho biết những kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của nhịp sinh học của cơ thể, thêm vào bằng chứng ngày càng tăng cho thấy nguy cơ sức khỏe bao gồm béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, thậm chí ung thư, khi lịch trình hàng ngày của chúng ta bị lệch với nhịp sinh học.

“Chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên cho mọi người khi chỉ dựa trên kết quả nghiên cứu mới của chúng tôi”, Plans cho biết. “Nhìn chung, có bằng chứng xác thực rằng ánh sáng buổi sớm sẽ thiết lập lại nhịp sinh học của bạn, do đó, việc tập thói quen ngủ tốt có thể có lợi”, ông nói thêm.

Đi ngủ vào một thời điểm hợp lý, thức dậy sớm để có thời gian tắm nắng ban mai, tránh ánh sáng xanh vào ban đêm, không sử dụng đồ uống chứa caffeine vào cuối ngày, tránh ngủ trưa sau khoảng 16 giờ, chỉ sử dụng phòng ngủ để ngủ và chỉ đi ngủ khi sẵn sàng là lời khuyên của Plans dựa trên bằng chứng rộng hơn từ nhiều nghiên cứu.

Gregg Fonarow, giám đốc Trung tâm bệnh cơ tim Ahmanson-UCLA ở Los Angeles, Mỹ, cho biết, những phát hiện này cung cấp hiểu biết tiềm năng về thời gian bắt đầu đi ngủ liên quan đến nhịp sinh học có thể ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu sâu hơn, đồng thời vẫn còn phải chứng minh liệu việc thay đổi thời gian đi ngủ trong ngày sẽ làm tăng hay giảm nguy cơ biến cố tim mạch.

Châu Vũ (Theo HealthDay News)

Trả lời