Thứ trưởng Y tế: ‘Địa phương phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để tiêm vaccine’ Leave a comment

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng các địa phương phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” xem ai chưa tiêm vaccine thì yêu cầu đi tiêm.

Trước việc người dân không muốn tiêm mũi nhắc lại khiến vaccine Covid-19 bị tồn, Bộ Y tế nhiều lần yêu cầu các tỉnh phía Nam hoàn thành tiêm vaccine đã phân bổ trước 30/6, còn người dân không tiêm vaccine cần ký cam kết “chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch bệnh”. VnExpress phỏng vấn Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên – phụ trách điều hành Bộ Y tế, về quan điểm này.

Vì sao Bộ Y tế cho rằng người dân cần thiết ký cam kết tiêm vaccine Covid-19?

– Thủ tướng đã chỉ đạo “chống Covid-19 như chống giặc”, mọi người dân có nghĩa vụ tham gia “đánh giặc” bằng nhiều biện pháp, trong đó có tiêm vaccine. Thực tế cho thấy vaccine có vai trò rất quan trọng, giúp đưa đất nước trở lại bình thường mới. Tôi nghĩ rằng, người dân nên quan tâm và chấp hành thông điệp Bộ Y tế đưa ra là “yêu cầu tất cả phải tiêm vaccine” như một hình thức “nhà nhà chống giặc”, không trừ bất kỳ ai.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như một số nhà khoa học, tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp, vẫn có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới, thậm chí một số nước dịch đã quay lại. Còn với Việt Nam, dịch cơ bản được kiểm soát. Chúng ta trở lại các hoạt động, song nguy cơ biến chủng mới xâm nhập từ một số nước khác vẫn hiện hữu. Vừa rồi, chủng mới của Omicron đã xuất hiện ở Việt Nam.

Từ đó cho thấy chúng ta không được lơ là, chủ quan; phải duy trì biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.

Cơ quan chức năng căn cứ quy định nào để yêu cầu người không tiêm vaccine Covid-19 phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh?

– Covid-19 vẫn nằm trong nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo đó, người dân phải tham gia tiêm vaccine để nâng kháng thể bảo vệ bản thân, đồng thời chống virus lây lan ra cộng đồng. Nếu nhiễm bệnh khi chưa tiêm chủng, không may làm lây bệnh và bùng phát dịch, lúc đó người dân đã vi phạm Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.





Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP

– Việc ký cam kết này sẽ tiến hành như thế nào?

– Về mẫu văn bản, từ trước đến nay Bộ Y tế không chỉ đạo. Nhưng Bộ có nêu rất rõ thế này: Các tổ chức chính trị, ví dụ mặt trận tổ quốc, phải tuyên truyền vận động cho đoàn viên hội viên của mình. Các tổ chức xã hội khác cũng thế.

Như vậy, ở mỗi địa phương có sự vận động khác nhau. Có thể qua hệ thống thông tin tuyên truyền, văn bản, đưa thông điệp đến tận nhà… Nhưng dù phương pháp gì đi chăng nữa, ta đều phải hình dung rằng, đó là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội nhằm phục vụ mục đích cuối cùng là không để dịch bùng phát.

– Cơ quan chức năng sẽ có biện pháp gì tiếp theo nếu yêu cầu ký cam kết không giúp đạt được mục tiêu?

– Thì các tổ chức chính trị lại tiếp tục vận động, như tôi đã nói ở trên. Ký cam kết thể hiện rõ trách nhiệm của người dân, đó là “chống dịch như chống giặc”.

– Các tỉnh, thành bị thúc giục tăng tốc tiêm vaccine trước khi hết hạn, trong khi không thể buộc người dân phải tiêm. Thực tế, các địa phương đang ở thế khó. Ông đánh giá thế nào?

– Thủ tướng đã chỉ đạo các biện pháp chống dịch gồm “vaccine, thuốc, công nghệ thông tin, ý thức của người dân”. Trong đó địa phương phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” xem ai chưa tiêm thì yêu cầu đi tiêm. Nội dung và nhóm người cần tiêm cũng đã được Chính phủ quy định. Nên tôi nghĩ rằng mình đã là công dân Việt Nam thì phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật, quy định, nghị định của Chính phủ.

– Hiện tốc độ tiêm chủng đang chậm lại so với giai đoạn trước. Nhiều người dân không mặn mà đi tiêm vì cho rằng đã mắc bệnh, có miễn dịch, sợ tác dụng phụ… Quan điểm của ông thế nào?

– Khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động sống trở lại bình thường, người dân có tâm lý chủ quan phòng bệnh. Nhiều người không còn thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, không xem trọng việc tiêm vaccine vì cho rằng đã mắc Covid-19 thì có miễn dịch vĩnh viễn.

Đây là nhận thức sai. Theo các nhà khoa học, hướng dẫn của WHO, vaccine và việc mắc Covid-19 không tạo ra kháng thể bền vững suốt đời mà giảm dần trong 4-6 tháng. Nếu không tiêm, khi lượng kháng thể thấp xuống, mọi người mắc bệnh, dịch bùng phát trở lại.

– Bộ Y tế đánh giá như thế nào về tình hình dịch hiện nay?

– Trên thế giới, Covid-19 diễn biến phức tạp, có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới, dịch bệnh đã tái bùng phát ở một số quốc gia. Tại Việt Nam, một tuần trở lại đây, số mắc Covid-19 tăng trở lại nhưng không nhiều; biến chủng mới đã xuất hiện. Thống kê vừa rồi của một số địa phương có thời gian tăng, có lúc giảm. Tôi cho rằng điều này là khách quan, phụ thuộc vào khai báo của người dân, thống kê của cơ sở.

Dịch bệnh vẫn được kiểm soát trong nước, song cần tiếp tục cảnh giác, duy trì các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine trong giai đoạn hiện nay. Bộ Y tế đã hướng dẫn rất chi tiết, đề nghị người dân phải tiêm các mũi nhắc lại, cụ thể là mũi 3-4 mới duy trì được miễn dịch cộng đồng.

Chi Lê

Trả lời