Tiến độ tiêm chủng mở rộng TP HCM chưa đạt 95% Leave a comment

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), ngoại trừ huyện Cần Giờ, tất cả quận huyện còn lại đều không đạt tỷ lệ 95% tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới một tuổi.

Bên cạnh đó, không địa phương nào đạt chỉ tiêu tiêm mũi nhắc cho trẻ 18 tháng tuổi. Cụ thể, số trẻ đã tiêm mũi sởi thứ hai chỉ đạt gần 65% và vaccine bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4 (DPT4) đạt gần 57%. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng tại TP HCM trước đây đều đạt trên 95%.

Theo HCDC, trong năm 2021 vừa qua, thành phố trải qua các đợt bùng phát Covid-19 khiến hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Do tỷ lệ tiêm chủng của trẻ còn thấp, khả năng bùng phát các dịch bệnh (đã có vaccine) có thể xảy ra.

Riêng với vaccine Covid-19, thành phố đã tiêm được hơn 4,27 triệu mũi ba cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt gần 64%. Sở Y tế TP HCM ước tính các quận, huyện cần phải tiêm liều nhắc lại cho hơn 1,5 triệu người nữa để đạt tỷ lệ 90% theo chỉ đạo của Bộ Y tế.





Nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine tại TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine tại TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Thời gian tới, ngành y tế thành phố sẽ tổ chức tiêm bù, tiêm vét đồng thời theo dõi tiến độ tiêm chủng mở rộng của trẻ năm 2022, đảm bảo độ bao phủ phòng bệnh. Các địa phương sẽ tổ chức rà soát, mời tiêm theo nhóm ưu tiên, đặc biệt các quận huyện có tỷ lệ tiêm thấp và chỉ tiêu chưa đạt. Ngoài ra, ngành y tế sẽ tăng cường truyền thông, vận động người dân đưa trẻ ra tiêm chủng phòng ngừa các bệnh đã có vaccine.

Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi nhắc lại lần một (mũi ba) cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo hoàn tất trong tháng 6 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.

Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam do Bộ Y tế triển khai, cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới một tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.

Lê Phương

Trả lời