Tiểu buốt cảnh báo những bệnh gì? Leave a comment

Cảm giác đau, rát, buốt khi đi tiểu không chỉ gây khó chịu, bất tiện mà còn cảnh báo nhiều bệnh lý tiết niệu nguy hiểm.

Tiểu buốt là thuật ngữ để mô tả cảm giác nóng rát, nhói đau mỗi khi đi tiểu. Đây là kết quả của sự kích thích bàng quang và niệu đạo. Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này là do nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (viêm bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt). Một số trường hợp có thể là do nhiễm trùng đường tiết niệu trên (viêm thận và niệu quản). Tiểu buốt thường xuất hiện ở nữ giới trong độ tuổi 20 – 50 và nam giới lớn tuổi.





Tiểu buốt là tình trạng nóng rát, nhói đau mỗi khi đi tiểu. Ảnh: Shutterstock

Tiểu buốt là tình trạng nóng rát, nhói đau mỗi khi đi tiểu. Ảnh: Shutterstock

Theo bác sĩ CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, Trung tâm Tiết niệu Thận học – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tiểu buốt có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như:

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Tiểu đau rát là triệu chứng thường gặp của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân là do vi khuẩn sống ở vùng đại tràng và hậu môn như E.Coli bội nhiễm ngược dòng vào đường tiểu thông qua quá trình sinh hoạt, quan hệ tình dục… Tình trạng viêm có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào trong đường tiết niệu như bàng quang, niệu quản, niệu đạo, thận…

Nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs)

Tiểu buốt có thể dấu hiệu cảnh báo các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục gồm mụn rộp sinh dục, nấm chlamydia và bệnh lậu. Các bệnh này đôi khi không có triệu chứng nhưng nhưng vẫn có thể lây qua đường tiết niệu, gây đau buốt khi tiểu.

Viêm tuyến tiền liệt

Khi mắc bệnh, nam giới sẽ có biểu hiện tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, đau tức bụng dưới. Khi khám hậu môn ghi nhận tuyến tiền liệt bị căng đau nhiều. Bệnh lý này nếu không được điều trị sớm có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, tinh thần và khả năng sinh sản ở phái mạnh.

Viêm bàng quang

Người bệnh tiểu buốt có thể đã bị viêm bàng quang, viêm niêm mạc bàng quang, viêm bàng quang kẽ… Bệnh điển hình với các triệu chứng như đau và căng ở vùng bàng quang và vùng chậu. Một số trường hợp xạ trị có thể gây đau bàng quang, ảnh hưởng tới những cơ quan khác của đường tiết niệu. Đây là tình trạng viêm bàng quang do bức xạ.

Viêm niệu đạo

Bệnh thường do vi khuẩn tấn công. Không chỉ gây đau buốt khi tiểu, tình trạng viêm niệu đạo còn làm tăng cảm giác buồn tiểu.

Viêm mào tinh hoàn

Nam giới khi bị tiểu buốt có thể là do bị viêm mào tinh hoàn. Mào tinh hoàn nằm ở phía sau tinh hoàn, chức năng là lưu trữ và vận chuyển tinh trùng tinh tinh hoàn.

Viêm vùng chậu (PID)

Đây là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Bệnh thường do vi khuẩn, có thể ảnh hưởng tới ống dẫn trứng, buồng trứng, tử cung và cổ tử cung. Triệu chứng bệnh gồm đau bụng, đau khi quan hệ tình dục, tiểu buốt cùng một số triệu chứng khác.

Tắc nghẽn niệu quản

Bệnh khiến nước tiểu không thoát được ra ngoài, chảy ngược vào thận, gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Đây là một là trong cách nguyên nhân gây tiểu buốt, tiểu ít, tiểu không sạch…

Sỏi đường tiết niệu

Sỏi đường tiết niệu hình thành từ những tinh thể lắng đọng. Đây là nguyên nhân khiến dòng nước tiểu bị cản trở, gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Người bệnh sỏi đường tiết niệu thường cảm thấy khó khăn khi đi tiểu, tiểu buốt.

Điều trị tình trạng tiểu buốt

Bác sĩ Tiến Đạt khẳng định, nếu trì hoãn điều trị người bệnh tiểu buốt có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như viêm bàng quang, viêm bể thận, nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì thế, nên đi khám ngay nếu xuất hiện các triệu chứng như đau kéo dài hơn 24 giờ, đau kèm theo sốt; tiết dịch vùng kín; nước tiểu có mùi lạ, lẫn máu hoặc đục; tiểu buốt kèm theo đau bụng; mắc những bệnh lý bàng quang hoặc sỏi thận; đau hông hoặc đau lưng.

Ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm nước tiểu, cấy nước tiểu trong phòng thí nghiệm… Để loại bỏ những yếu tố liên quan tới u bướu đường tiết niệu, người bệnh có thể được yêu cầu siêu âm và nội soi bàng quang.

Nếu tiểu buốt do nhiễm khuẩn, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Với người bệnh bàng quang kích thích, thuốc làm dịu bàng quang sẽ được chỉ định để mang lại cảm giác dễ chịu hơn.





Người tiểu buốt do nhiễm khuẩn thường được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Ảnh: Shutterstock

Người tiểu buốt do nhiễm khuẩn thường được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Ảnh: Shutterstock

Khi tiểu buốt do những bệnh nhiễm trùng phức tạp như viêm bàng quang kẽ, bác sĩ cũng chỉ định dùng thuốc theo đường uống. Tuy nhiên, kết quả điều trị bằng thuốc thường chậm. Người bệnh có thể phải mất tới 4 tháng mới cải thiện được tình trạng tiểu buốt.

Với người bệnh viêm tuyến tiền liệt, thuốc kháng sinh được chỉ định dùng khoảng 12 tuần. Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng được chỉ định kèm theo như thuốc chống viêm không kê đơn (Ibuprofen), những loại thuốc chẹn alpha… để giúp thư giãn các cơ quanh tuyến tiền liệt.

Bác sĩ Đạt khuyến cáo thêm, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống sinh hoạt như uống nhiều nước, tránh thụt rửa vùng kín quá sâu… Nên xoa bóp tuyến tiền liệt, tắm nước ấm để làm giãn các cơ, giúp đường tiểu thông thoáng, cải thiện tình trạng tiểu buốt.

Anh Đài

Trả lời