Tiểu đêm cảnh báo nhiều bệnh lý tiết niệu Leave a comment

Tiểu đêm có thể là triệu chứng ban đầu của rất nhiều bệnh lý tiết niệu nên phương pháp điều trị sẽ tuỳ theo nguyên nhân gây ra.

Tiểu đêm là tình trạng người bệnh thức giấc nhiều hơn một lần để đi tiểu. Đây có thể là triệu chứng của bệnh lý ở thận hoặc vấn đề sinh lý. PGS.TS.BS. Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bàng quang của người trưởng thành khỏe mạnh có thể chứa khoảng 300 – 400ml nước tiểu. Khi đầy, bàng quang sẽ kích thích dẫn truyền lên não bộ để tạo ra phản xạ đi tiểu. Trong giấc ngủ đêm, thần kinh sẽ ức chế không cho bàng quang co bóp, nhằm giảm phản xạ đi tiểu, giúp duy trì giấc ngủ. Lượng nước tiểu ban ngày được sản xuất nhiều gấp 3 – 4 lần ban đêm.

Cơ thể con người, kể cả các cơ quan nội tạng, đều vận động theo một quy luật là sáng làm việc, tối nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi xuất hiện tình trạng tiểu đêm, quy luật vận hành này sẽ bị ảnh hưởng. Về lâu dài, sẽ làm người bệnh uể oải, suy nhược cơ thể, giảm khả năng tập trung, kém nhạy bén… ảnh hưởng đến công việc và học tập. Trường hợp tiểu đêm xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.





Tiểu đêm có thể liên quan đến nhiều bệnh lý. Ảnh: Shutterstock

Tiểu đêm có thể liên quan đến nhiều bệnh lý. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ Vũ Lê Chuyên cho biết, một số bệnh lý có triệu chứng tiểu đêm bao gồm:

Mất ngủ: Khi ngủ, thận sẽ giảm năng suất hoạt động, trong một đêm dài từ 6 – 8 tiếng chỉ sản xuất khoảng 200 – 300 ml nước tiểu. Tuy nhiên, nếu người bệnh mất ngủ hoặc thức khuya do căng thẳng, các bệnh lý thần kinh hoặc vì bất kỳ lý do nào khác, cơ thể vẫn sẽ hoạt động và thải ra lượng nước tiểu nhiều như ban ngày. Từ đó gây ra hiện tượng tiểu đêm.

Hội chứng đa niệu về đêm: Hội chứng xảy ra do sự thiếu hụt enzym antidiuretic hormone. Enzym này được não thùy tiết ra để chống lại sự bại niệu quá nhiều. Khi bị thiếu hụt enzym này, vào ban đêm, người bệnh vẫn sản xuất nước tiểu tương tự, thậm chí là nhiều hơn ban ngày. Ngoài ra, tác động của một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác như huyết áp, điều trị ngoại biên bàn chân và mắt cá… cũng có thể gây ra chứng đa niệu về đêm.

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt: Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến nam giới từ 51 tuổi trở lên. Tuyến tiền liệt phì đại khiến niệu đạo, ống dẫn nước tiểu ra khỏi dương vật bị chèn ép và hẹp lại gây tắc nghẽn dòng chảy. Thành bàng quang cũng dày lên, gây khó khăn cho việc làm trống nước tiểu. Lúc này, người bệnh sẽ đi tiểu nhiều lần hơn vào cả ban ngày và ban đêm.

Suy thận: Lọc và thải các chất độc ra khỏi cơ thể là một trong những chức năng quan trọng của thận. Ở người bệnh suy thận, ban ngày, thận không thải hết các chất cặn bã ra khỏi cơ thể, do đó, cơ quan này phải tăng cường hoạt động vào ban đêm, dẫn đến tiểu đêm.

Nhóm các bệnh lý bàng quang như bàng quang tăng hoạt, viêm bàng quang, sỏi bàng quang… đều gây kích thích bàng quang, dẫn đến tiểu đêm.

Để chẩn đoán nguyên nhân gây tiểu đêm, bác sĩ sẽ hỏi bệnh về thói quen ngủ, sinh hoạt hàng ngày. Sau đó, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện kiểm tra chức năng thận, siêu âm kiểm tra tình trạng tuyến tiền liệt, thử nước tiểu để xác định nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đo nồng độ antidiuretic hormone…

Bác sĩ Vũ Lê Chuyên cho biết, phương pháp tốt nhất để điều trị tiểu đêm là điều trị theo nguyên nhân. Tùy theo từng bệnh lý gây ra triệu chứng tiểu đêm, sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Ngoài ra, tiểu đêm có thể là triệu chứng ban đầu cảnh báo bệnh lý suy thận, tăng sinh tuyến tiền liệt… do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám ngay khi xuất hiện tình trạng này.

Phi Hồng

Trả lời