Tiêu thụ nhiều caffeine gây đau đầu, ảnh hưởng tâm trạng Leave a comment

Nếu bạn uống cà phê, nước tăng lực, nước ngọt… có quá nhiều caffein có thể gây đau đầu, mất ngủ, cáu gắt, lo lắng, nhịp tim nhanh.

Thức ăn và đồ uống có lượng caffeine khác nhau.Tiêu thụ lượng caffeine phù hợp mỗi ngày hỗ trợ duy trì sức khỏe, có lợi cho hệ tim mạch. Trong 340 gram nước ngọt chứa 30-40 miligram caffeine, 230 gram trà xanh hoặc trà đen có 30-50 miligram, 230 gram cà phê có 80-100 miligram, 230 gram nước tăng lực chứa 40-250 miligram, 230 gram socola đen có 12 miligram caffeine. Cơ thể mất 3-6 tiếng tiêu hóa và đẩy caffeine ra ngoài.

Tiêu thụ lượng caffeine vượt mức khuyến nghị mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), tiêu thụ tối đa 400 miligram caffeine – tương đương 3 tách cà phê espresso là hàm lượng cho phép ở người trrưởng thành. Nạp lượng caffeine vượt quá mức cho phép có thể dẫn đến các tác dụng phụ lên cơ thể gây ảnh hưởng công việc và sinh hoạt như đau đầu, khó ngủ, tăng nhịp tim…

Đau đầu

Caffeine là chất “đánh thức” hệ thần kinh trung ương có trong các thức uống sáng như cà phê và trà. Caffeine được sử dụng như một hình thức giảm đau. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều caffeine và ngừng sử dụng caffeine đều có thể gây đau đầu. Theo Tổ chứ Đau đầu Mỹ, tiêu thụ caffeine ở mức độ vừa phải rất tốt. Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng hàng ngày nếu đang bị đau đầu thường xuyên.

Khó ngủ

Tiêu thụ caffeine trước khi đi ngủ có thể làm giảm số lượng và chất lượng của giấc ngủ và khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn. Để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, bạn nên ngưng nạp caffeine sau 4 giờ chiều. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên tiêu thụ caffeine, cơ thể có thể dần điều chỉnh để thích ứng với tác động của caffeine và tăng khả năng chịu đựng theo thời gian.





Cà phê có lợi cho sức khỏe nhưng không nên uống quá nhiều. Ảnh: Freepik

Cà phê có lợi cho sức khỏe nhưng không nên uống quá nhiều. Ảnh: Freepik

Lo lắng

Caffeine có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Nạp caffeine vừa phải có thể góp phần tạo ra cảm giác hạnh phúc, nhưng uống quá nhiều sẽ khiến bạn bị bồn chồn, lo lắng.

Cáu gắt

Tiêu thụ caffeine cũng có thể góp phần gây ra cảm giác khó chịu. Nếu bạn đang điều trị chứng rối loạn tâm lý hoặc lo âu, bạn có thể cảm thấy cáu kỉnh khi tiêu thụ ít caffeine hơn người bình thường. Mặc dù cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để tìm ra chính xác lượng caffeine dẫn đến khó chịu, việc tiêu thụ caffeine ở mức vừa phải luôn cần cân nhắc.

Tăng nhịp tim

Caffeine có những tác động khác nhau đến tim mạch. Tùy cơ địa cá nhân, các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người chuyển hóa caffeine chậm có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề về tim hơn. Ngược lại, những người loại bỏ caffeine khỏi cơ thể nhanh ít gặp vấn đề khi tiêu thụ cùng một lượng caffeine. Nhịp tim nhanh cũng có thể là dấu hiệu của việc dị ứng caffeine, nhạy cảm hoặc một vấn đề sức khỏe khác.

Đi tiểu thường xuyên

Caffeine là chất lợi tiểu, có thể làm tăng lưu lượng máu đến thận và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tái hấp thu muối và nước khi lọc máu, dẫn đến tăng lượng nước tiểu trong bàng quang. Tuy vẫn chưa có nghiên cứu cho thấy, hấp thụ nhiều caffeine ảnh hưởng đến bàng quang thế nào nhưng nhu cầu đi tiểu thường xuyên có thể do nạp nhiều caffeine hoặc bạn cần đi khám bệnh để biết nguyên nhân.

Đau ngực

Đau ngực xảy ra khi dòng máu đến tim bị tắc nghẽn. Khi caffeine tăng, lưu lượng máu bị hạn chế. Do đó, quá nhiều caffein có thể gây đau ngực.

Người đang điều trị một số thuốc khi tiêu thụ caffeine có thể gây ảnh hưởng hiệu quả của thuốc. Bạn nên đến tư vấn nếu đang sử dụng các thuốc sau trước khi tiêu thụ caffeine như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống loạn thần, thuốc huyết áp, thuốc chống đông máu, thuốc điều trị bệnh Alzheimer và Parkinson, thuốc điều trị ung thư, thuốc tuyến giáp…

Để cắt giảm caffein, bạn có thể chuyển sang uống món ít hoặc không có caffeine như gọi cà phê có hàm lượng caffeine thấp dần, hòa cùng cà phê decaf (cà phê đã chiết xuất caffeine ra khỏi thành phần). Uống nhiều nước hơn sẽ giúp cơ thể chống lại mệt mỏi và cải thiện tâm trạng và duy trì năng lượng.

Bạn cũng có thể ăn nhiều thực phẩm có vitamin C, sắt, magiê, kẽm, chất xơ và vitamin B phức hợp để cải thiện tình trạng mệt mỏi. Các chất có trong sữa, pho mát, trứng, gan, thịt gia cầm, thịt nội tạng, cá ngừ, cá thu, cá hồi, nghêu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, quả có múi và các loại rau xanh có nhiều màu sắc. Mức độ caffein khác nhau tùy thuộc vào kích cỡ hạt và loại cà phê. Theo nghiên cứu, trung bình một tách cà phê 230 gram có khoảng 96 miligram caffeine.

Mai Trinh
(Theo Verywell Health)

Trả lời