Qua các nghiên cứu cho thấy tỏi có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, có thể giúp giảm triệu chứng của nhiễm trùng tai và đau tai.
Nhiễm trùng tai có thể do vi khuẩn, virus, nấm, ráy tai tích tụ hoặc nước vào tai. Các nghiên cứu về tỏi và bệnh nhiễm trùng tai đã chỉ ra rằng, một số dẫn xuất trong tỏi có thể hữu ích trong việc giảm triệu chứng của nhiễm trùng tai do vi khuẩn. Tỏi hoặc chiết xuất dầu tỏi có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn và kháng nấm.
Nhiều người cho rằng sử dụng dầu tỏi có thể chữa viêm tai vì đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ đúng một phần chứ không hoàn toàn chính xác ở tất cả các trường hợp. Sử dụng tỏi giúp giảm các triệu chứng của nhiễm trùng tai sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và loại nhiễm trùng tai.
Một số bệnh nhiễm trùng tai có thể tự khỏi. Với trường hợp nhiễm trùng nhẹ, bạn có thể sử dụng các biện pháp giảm bớt sự khó chịu như chườm lạnh hoặc chườm ấm, thuốc nhỏ tai…
Nếu dùng tỏi để giảm nhiễm trùng tai hoặc đau tai, bạn có thể dùng tỏi sống nguyên củ và chiết xuất tỏi ở dạng dầu. Một số người cho rằng, ăn tỏi sống có thể giúp giảm đau tai nhờ các hợp chất của nó, mặc dù có rất ít bằng chứng chứng minh.
Nghiên cứu về hoạt động kháng khuẩn của các dẫn xuất tỏi của các bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019 cho thấy, dầu tỏi có hiệu quả tương tự như thuốc kháng sinh amoxicillin. Tuy nhiên, dầu tỏi không thể vượt qua hàng rào của tai giữa để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn mà chỉ có lợi ích giúp giảm đau. Bên cạnh các tác dụng trên, các chuyên gia khuyến cáo, sử dụng tỏi để điều trị nhiễm trùng tai hoặc đau tai có thể đi kèm với một số rủi ro như gây viêm da, phản ứng dị ứng gây phát ban, nổi mề đay, mụn nước. Do vậy trước khi thử dùng các phương pháp tại nhà, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về tình trạng nhiễm trùng. Những người bị thủng màng nhĩ không nên dùng dầu tỏi để giảm các triệu chứng đau tai vì lỗ thủng trên màng nhĩ sẽ cho phép dầu tỏi đi qua và gây ra các vấn đề về tai giữa.
Ngoài tác dụng với với nhiễm trùng tai, tỏi còn mang lại lợi ích cho sức khỏe và góp phần giúp nhiều cơ quan trong cơ thể ngăn ngừa bệnh tật.
Hệ thống miễn dịch: theo nghiên cứu của Đại học Florida (Mỹ) năm 2012, bổ sung tỏi đã được chứng minh có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các bệnh thông thường như cảm lạnh, cải thiện chức năng tế bào miễn dịch.
Hệ tim mạch: tỏi có thể cải thiện sức khỏe của hệ thống tim mạch bằng cách giảm huyết áp và mức cholesterol theo nghiên cứu của Đại học Adelaide (Australia) năm 2013; Cao đẳng Dược, Đại học King Khalid (Ả-rập Xê-út) năm năm 2013.
Các ghiên cứu còn cho thấy, tỏi có thể góp phần kiểm soát, ngăn ngừa bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ. Các chất chống oxy hóa trong chiết xuất tỏi có thể giúp giảm suy giảm nhận thức; giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư. Tỏi có nhiệm vụ giải độc cho cơ thể bằng cách ngăn ngừa các chất tích tụ gây nhiễm độc gan.
Anh Chi (Theo VeryWellHealth)