Tốn hàng trăm triệu đồng điều trị nhiễm độc thuốc nam Leave a comment

TP HCMCô gái 27 tuổi phải truyền albumin trong suốt hai năm, mỗi ngày tốn hơn một triệu đồng để giải quyết hậu quả nhiễm độc do uống thuốc nam trị bệnh khớp.

Bệnh nhân phát hiện viêm cột sống dính khớp năm 2019, khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy được bác sĩ kê toa thuốc điều trị. Tuy nhiên, sau đó cô chuyển sang uống thuốc nam vì nghĩ là “tốt hơn thuốc tây”. Sau khoảng một tháng dùng thuốc nam, viêm cột sống dính khớp không cải thiện, cô bị tiêu chảy, mệt mỏi. “Người bán thuốc giải thích là dấu hiệu cơ thể xổ chất độc để hết bệnh nên tôi tiếp tục uống thêm ba tháng”, bệnh nhân cho biết.

Tình trạng tiêu chảy ngày càng nặng nề, cơ thể bị phù, suy kiệt, không ăn uống được, bệnh nhân trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy khám. Bác sĩ Khoa Nội Cơ Xương Khớp phát hiện đường ruột bệnh nhân bị loét rất nặng, nghi ngờ nhiễm độc, nên cùng bác sĩ Doãn Uyên Vy – chuyên gia chống độc, phụ trách Phòng khám Chống độc của Chợ Rẫy, hội chẩn.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam. Thời điểm đó, bệnh viện chưa có thuốc giải độc kim loại nặng. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân ngưng uống thuốc nam để cắt đứt nguồn độc. Bệnh nhân trải qua một năm điều trị, giải quyết được tình trạng viêm loét đường ruột, tuy nhiên độc kim loại để lại một di chứng khá nặng là mất protein qua đường ruột. Bệnh nhân buộc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày trong suốt hai năm, chi phí rất tốn kém trong khi kinh tế không khá giả.

“Nếu không truyền thì albumin tụt xuống rất thấp, chỉ số này ở người bình thường là 3.5 trong khi bệnh nhân này chỉ còn khoảng 1.2-1.5”, bác sĩ Vy nói. Bệnh nhân truyền thuốc mỗi buổi sáng, ăn ngủ tốt hơn nhưng không thể làm việc được, hay mệt mỏi, chóng mặt mỗi khi vận động mạnh.

Đầu năm nay, bệnh viện nhập được thuốc giải độc kim loại nặng. Sau ba ngày dùng thuốc giải độc, bệnh nhân hồi phục khỏe mạnh, không còn tình trạng mất protein qua đường ruột, chấm dứt việc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày. Bệnh nhân vừa đến viện tái khám, các chỉ số xét nghiệm đều tốt. “Hơn hai tháng qua, tôi khỏe hơn, leo được cầu thang bình thường”, bệnh nhân nói.

Theo bác sĩ Vy, Việt Nam chưa có thuốc giải độc kim loại nặng. Khi có bệnh nhân cần điều trị, các bác sĩ chủ động tìm kiếm nguồn thuốc, đề xuất bệnh viện nhập từ nước ngoài về. “Thuốc còn khá đắt và còn mới, chưa được bảo hiểm y tế thanh toán, khoảng 2,5 triệu đồng một lọ”, bác sĩ chia sẻ.





Bệnh nhân đến tái khám với bác sĩ Vy tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: An Mỹ

Bệnh nhân đến tái khám với bác sĩ Vy tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: An Mỹ

Bác sĩ Vy nhận định đây là một trong những trường hợp điển hình bị ảnh hưởng nặng nề do sử dụng thuốc không đúng cách. Tình trạng nhiễm độc từ thuốc nam diễn ra âm thầm, biểu hiện như một bệnh lý nội khoa bình thường mà không phải lúc nào cũng dễ tìm được nguyên nhân. Bác sĩ khuyến cáo mọi người khi mắc một triệu chứng bệnh nào đó kéo dài, điều trị nhiều mà vẫn không khỏi, có thể đến các phòng khám chống độc để tầm soát, tìm ra nguyên nhân.

Lê Phương

Trả lời