TP HCM kéo dài chiến dịch tiêm nhắc lại vaccine Covid Leave a comment

TP HCM kéo dài đợt cao điểm tiêm nhắc lại vaccine Covid đến cuối tháng 7, tại các điểm tiêm cộng đồng, bệnh viện, nhằm bao phủ miễn dịch cho người dân.

Lần này, bên cạnh các điểm tiêm cộng đồng tại trung tâm y tế, trạm y tế, thành phố khuyến khích các bệnh viện trở thành điểm tiêm cố định cho cả người dân. Trước đó, các bệnh viện chỉ tiêm cho nhân viên y tế và người bệnh đang điều trị.

Các điểm tiêm sẽ làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Sở Y tế TP HCM yêu cầu các cơ sở dự trù và liên hệ lấy đủ vaccine, không để xảy ra tình trạng tạm ngưng tiêm trong khi vaccine tại thành phố vẫn đảm bảo cung ứng.

Trước đó, chiến dịch khởi động từ ngày 14/6, tập trung tiêm nhắc lại vaccine Covid cho trẻ em, người từ 50 tuổi, người từ 18 tuổi suy giảm miễn dịch, nhân viên tuyến đầu thuộc nhóm nguy cơ cao.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, vaccine ngừa Covid-19 là vũ khí quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch, bảo vệ người dân, làm giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Việc tiêm các mũi nhắc lại nhằm khôi phục khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đã bị suy giảm theo thời gian, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền; bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng, kiểm soát dịch bền vững.

Thời gian qua, số người tiêm vaccine tại TP HCM ngày càng tăng cao, đặc biệt sau khi thành phố ghi nhận những trường hợp nhiễm biến chủng phụ BA.4, BA.5. Gần đây, có những ngày thành phố tiêm hơn 77.000 mũi, trong khi trước ngày 13/6, trung bình mỗi ngày chỉ có 4.000-8.000 lượt tiêm. Đến nay, thành phố đã tiêm hơn 21,8 triệu mũi, trong đó hơn 4,4 triệu mũi ba và khoảng 640.000 mũi 4.





Tiêm vaccine Covid-19 tại TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Tiêm vaccine Covid-19 tại TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo nếu người dân chủ quan trong tiêm mũi vaccine nhắc lại và không chú trọng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh có nguy cơ rất cao bùng phát trở lại. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiệu quả của vaccine Covid-19 giảm dần theo thời gian, khoảng 6 tháng sau khi tiêm. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Mỹ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 để phòng chống dịch. Nhiều nước đã tiêm mũi 3, 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.

Bộ Y tế hướng dẫn tiêm liều nhắc lại lần hai (mũi bốn) với vaccine mRNA (của hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vaccine do Astra Zeneca sản xuất, vaccine cùng loại với mũi ba. Mũi bốn được tiêm ít nhất là bốn tháng sau mũi ba.

Lê Phương

Trả lời