TP HCM xử trí thế nào nếu có ca nghi mắc đậu mùa khỉ Leave a comment

Người có dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ như sốt, phát ban có bóng nước, nổi hạch… cách ly tại nhà, khi nặng cần đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM bằng xe cá nhân hoặc gọi tổng đài 115 hỗ trợ.

Sở Y tế TP HCM hướng dẫn như trên, ngày 11/6, nhằm chủ động giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong. Nhìn chung, các biện pháp ứng phó và phòng chống lây nhiễm đậu mùa khỉ được ngành y tế áp dụng tương đối giống với bệnh Covid-19.

Đây là lần thứ hai trong nửa tháng qua ngành y tế thành phố chuẩn bị kịch bản ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. Lần này, Sở Y tế nâng cảnh báo, hướng dẫn người nghi bệnh hoặc xác định mắc bệnh về cách thức tự cách ly theo dõi và di chuyển đến bệnh viện để tránh lây nhiễm cộng đồng. Đồng thời, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được chỉ định chuyên điều trị đậu mùa khỉ – giống như khi Covid mới xuất hiện tại thành phố.

Theo đó, người nghi ngờ mắc bệnh phải tự cách ly, đeo khẩu trang, theo dõi sức khỏe tại nhà, nhân viên y tế địa phương giám sát và lấy mẫu xét nghiệm gửi đến Viện Pasteur TP HCM hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Nếu vào viện, bệnh nhân phải đi bằng xe cá nhân hoặc Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh là phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu gồm sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược. Khi đó, người nghi nhiễm phải báo cho trạm y tế địa phương.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh phải cách ly y tế, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP HCM sẽ điều tra các trường hợp có tiếp xúc gần để lập danh sách, theo dõi, giám sát theo quy định.

Những yếu tố dịch tễ là trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc vật lý với người bệnh thông qua da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hay vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Ngoài ra, người du lịch đến các quốc gia có lưu hành đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, cũng được xem là nguy cơ có thể mắc bệnh.

Sở Y tế cũng yêu cầu các cửa khẩu TP HCM tăng cường giám sát thân nhiệt người nhập cảnh qua máy đo thân nhiệt, phát hiện các triệu chứng nghi ngờ.





Bệnh đậu mùa khỉ gây ra các tổn thương giống như mụn nước chứa đầy mủ. Ảnh: capradio

Bệnh đậu mùa khỉ gây ra các tổn thương giống như mụn nước chứa đầy mủ. Ảnh: capradio

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca đậu mùa khỉ ngoài vùng lưu hành (các nước như Anh, Mỹ, và khu vực châu Âu) hiện hơn 1.000; trong vùng lưu hành (châu Phi) là 1.400. Hơn 60 người đã tử vong do bệnh này, tính từ đầu năm đến nay. Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đậu mùa khỉ lây lan bất thường và đột ngột tại các nước phát triển cho thấy virus có thể đã ngấm ngầm lưu hành từ lâu song giới chức không phát hiện ra.

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch có thể lây lan, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện ca nghi mắc.

Đậu mùa khỉ là bệnh do virus gây ra, lây truyền từ người qua người khi tiếp xúc gần gũi, qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga, gối, nệm. Bệnh thường diễn tiến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh 5-21 ngày. Bệnh này triệu chứng tương tự bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

Cách phòng bệnh là tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi ho, hắt hơi.

Lê Phương

Trả lời

2.6075