Ớt vị cay tính nóng, có nhiều công dụng như sát trùng, kích thích tiêu hóa, chữa sốt rét, nhưng ăn nhiều có hại dạ dày.
Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết trái ớt còn gọi là lạt tiêu, hột cay, là cây bụi nhỏ, thân nhẵn, phân cành nhiều, các cành non khúc khuỷu, có rãnh, mọc đứng hay tỏa rộng ra. Quả mọc hình trứng dài, thẳng như ngón tay, có khi cong xuống thành nửa vòng tròn, màu vàng hoặc đỏ, trong đó có nhều loại hạt hình thân dẹt, màu vàng.
Ớt có nhiều loại, như ớt sừng trâu quả vàng đỏ, dài, nhọn, đầu nhọn, hạt cay, được trồng nhiều để xuất khẩu bởi giá trị kinh tế cao. Ớt bị quả đa dạng thường phình to, màu vàng đỏ, đầu tròn, ít cay. Ớt chỉ thiên quả nhỏ màu đỏ, rất cay và lại sai quả (mỗi cây có tới hàng trăm quả), mọc chóc ngược lên nên gọi là ớt chỉ thiên. Ớt hiểm quả rất nhỏ, đỏ và rất cay. Một số loại như ớt tây, ớt cà chua, ớt bị, ớt ngọt có hoa to, quả to màu vàng đỏ, không cay, thường dùng để xào ăn như một loại rau. Người ta dùng ớt ăn tươi, ngâm giấm, muối, chế bột, làm tương…
Ớt có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm tăng nhiệt độ cho cơ thể, được trồng làm gia vị và làm thuốc, có thể dùng được cả hoa, quả, hạt, lá.
Về thành phần, trong 100 g ớt có 94 g nước, ngoài ra là các protein, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, quả chứa 250 mg vitamin C, gấp nhiều lần cam. Chất này cần thiết cho sự tổng hợp collagen trong cơ thể, duy trì sự toàn vẹn của các tế bào máu, da, nội tạng và xương. Các nghiên cứu chỉ ra sử dụng thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng, thanh lọc yếu tố có hại, tăng cường hấp thu sắt, khống chế bệnh tim, xơ cứng động mạch và giảm cholesterol, chống đục thủy tinh thể bằng. Vitamin này thuộc nhóm tan trong nước, cơ thể không có khả năng tạo ra hay tích trữ nên cần cung cấp hàng ngày.
Trong đông y, ớt vị cay, tính nóng, công dụng tiêu đờm, sát trùng, giúp chóng tiêu. Hạt ớt gây phỏng da, viêm niêm mạc, ăn nhiều có hại cho dạ dày. Lương y Sáng cho biết người tạng nhiệt, máu nóng không nên dùng các loại ớt cay.
Ớt có rất nhiều công dụng chữa bệnh. Một số món ăn, bài thuốc có ớt như sau:
Hạt ớt tán bột mịn, uống 1-2 g một lần chữa phong tê thấp. Có thể phối hợp với một số vị thuốc khác nấu thành cao để chữa nôn ói.
30 g lá ớt giã nát, chế nước vào, vắt lấy nước cốt, uống một bát trước khi lên cơn sốt rét hai tiếng, ngày 1-2 lần, liệu trình 5-7 ngày liên tục, chữa sốt rét cơn. Lá còn dùng ngậm chữa ho đờm khi cảm lạnh và giã đắp khi bị rắn, rết cắn, hoặc giã tươi đắp đồng thời sắc uống để chữa quai bị, đắp nơi bị chàm.
Lá ớt chỉ thiên giã nhỏ hòa cùng với nước và muối, đổ vào miệng người bệnh, chữa trùng phong (răng cắn chặt).
Rễ ớt sắc cùng rễ chanh và rễ quýt, mỗi loại lượng 10 g chữa đau bụng kinh niên.
Ớt chín 15 quả cùng 3 lá đu đủ, 80 g lá cây chỉ thiên giã nhuyễn, ngâm cồn để xoa bóp, chữa đau khớp, đau lưng.
50 g lá ớt, búp na, bồ công anh và một lượng muối ăn vừa đủ giã đắp lên da chữa mụn nhọt.
Lá ớt cay sao vàng một nắm, vỏ cây trà đồng một bát, lá bỏng 5-7 lá, thiên niên kiện 300 g, 2 lít nước, sắc uống chữa vảy nến.