Tránh nhầm lẫn giữa hắt xì do cảm lạnh và viêm mũi dị ứng Leave a comment

Nhiều người hay bị hắt xì thường chủ quan nghĩ đó là dấu hiệu của cảm lạnh mà không quan tâm đến nguyên nhân chính lại do viêm mũi dị ứng.

Hùng, 32 tuổi, nhân viên công nghệ thông tin. 2 ngày nữa, anh có buổi hẹn hò đầu tiên với bạn gái, thế nhưng không rõ nguyên nhân gì vài ngày trở lại đây Hùng liên tục bị những cơn hắt xì làm phiền. Đinh ninh bị cảm lạnh, Hùng mua thuốc cảm về uống nhưng tần suất hắt xì càng dày hơn. Tình trạng kéo dài khiến anh cảm thấy ngại không tự tin cho buổi hẹn sắp tới. Chia sẻ câu chuyện của mình với Minh – một đồng nghiệp cùng công ty, Hùng được bạn khuyên nên đi khám bác sĩ vì triệu chứng của Hùng giống viêm mũi dị ứng và khá giống với trường hợp của chính bản thân Minh





Hắt xì liên tục gây khó chịu. Ảnh: Shutterstock

Hắt xì liên tục gây khó chịu. Ảnh: Shutterstock

“Anh cũng từng hắt xì liên tục, ngứa mũi và chảy nước mũi gần cả tháng. Ban đầu cứ tưởng là cảm lạnh, uống mấy liều thuốc nhưng không đỡ. Anh đi khám thì bác sĩ nói bị viêm mũi dị ứng, các tác nhân chính do môi trường nhiều khói bụi” – Minh nói.

Nghe lời đồng nghiệp, Hùng đến bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM khám và được chẩn đoán bị viêm mũi dị ứng. Theo bác sĩ CKI Lê Minh Tuấn, Khoa Hô hấp – Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Nhân Dân 115 TP HCM, không chỉ bệnh nhân Hùng, hiện nay khá nhiều bệnh nhân nhầm lẫn giữa cảm lạnh và viêm mũi dị ứng vì các triệu chứng về cơ bản khá giống nhau như sổ mũi, ngứa mắt, nghẹt mũi, hắt hơi, tăng áp lực xoang và đôi khi đau đầu, đau họng.

Điểm khác nhau giữa 2 tình trạng này là cảm lạnh xảy ra do virus, còn viêm mũi dị ứng (tên tiếng Anh là Allergic Rhinitis) do cơ chế của cơ thể phản ứng với các dị nguyên từ xung quanh môi trường sống như phấn hoa, mạt bụi, nước bọt của động vật có lông (chó, mèo,…), cao su, làm giải phóng Histamin quá mức, gây ra các triệu chứng dị ứng. Sử dụng thuốc cảm lạnh không có hiệu quả trong việc điều trị viêm mũi dị ứng.





Trao đổi với bác sĩ khi có các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Ảnh: Shutterstock

Trao đổi với bác sĩ khi có các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Ảnh: Shutterstock

Mặc dù, viêm mũi dị ứng không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng các triệu chứng của bệnh có thể làm giảm chất lượng cuộc sống do mệt mỏi, khó chịu, mất ngủ, mất khả năng tập trung. Thậm chí, viêm mũi dị ứng kéo dài còn có thể dẫn đến các bệnh lý như viêm và tắc nghẽn mũi mãn tính, polyp mũi; viêm xoang cấp tính hoặc mãn tính; viêm tai giữa hoặc nhiễm trùng tai, ngưng thở khi ngủ hoặc các rối loạn giấc ngủ, nhiễm trùng đường hô hấp trên, các vấn đề về răng miệng do thở quá nhiều bằng miệng, rối loạn chức năng ống Eustachian, ảnh hưởng đến thính giác. Với người bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng có thể khiến các triệu chứng của bệnh này nghiêm trọng hơn.

“Chính vì vậy, người bệnh khi có các triệu chứng như hắt xì, ngứa mũi không nên tự ý mua thuốc. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, dị ứng để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân để có hướng điều trị”, bác sĩ Lê Minh Tuấn chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Lê Minh Tuấn, điều trị viêm mũi dị ứng sẽ gồm thuốc kháng Histamin như Fexofenadine. Biệt dược Fexofenadine giúp làm giảm các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, ngứa, đỏ, chảy nước mắt, thường là lựa chọn hàng đầu.

“Vì Fexofenadine là một thuốc kháng Histamin H1 có chọn lọc không đi qua hàng rào máu não nên không có tác dụng gây an thần (buồn ngủ) hoặc tác dụng phụ lên nhận thức. Ngoài ra, Fexofenadine được hấp thu nhanh qua đường uống, khởi phát tác dụng từ 1 – 3 giờ và có thời gian bán hủy dài (11 – 14 giờ). “Fexofenadine được ưa thích lựa chọn vì tính an toàn và tiện lợi”, bác sĩ Lê Minh Tuấn cho biết.

Song song với điều trị, để làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng trở nặng, bác sĩ Minh khuyên người bệnh cần tìm hiểu và loại bỏ tác nhân gây dị ứng, giữ nhà cửa sạch sẽ, không nuôi thú cưng trong nhà, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh những nơi ô nhiễm, bụi bặm và hạn chế ăn những loại thực phẩm dễ gây dị ứng.

Anh Chi

Trả lời