Trẻ đang sổ mũi, ho có tiêm vaccine cúm được không? Leave a comment

Thưa bác sĩ, bé nhà em 5 tuổi. Bình thường bé ít ốm vặt nên em hơi chủ quan, chỉ đưa bé đi tiêm các mũi vaccine cơ bản, chưa tiêm vaccine cúm mùa.

Em đọc thông tin thấy đang có nhiều trẻ mắc cúm mùa nên rất lo lắng. Hiện bé nhà em có triệu chứng ho, sổ mũi, hắt hơi thì tiêm vaccine phòng cúm được không? Ngoài vaccine cúm, bé nhà em cần tiêm thêm những vaccine gì để tăng cường miễn dịch? (Thu Hằng, Bình Dương)

Trả lời:

Trong vài tuần gần đây, lượng trẻ em mắc cúm mùa tăng đột biến, trong đó tác nhân gây bệnh chủ yếu là các chủng cúm A (H3N2, H1N1, H5N1, H7N9…) khiến nhiều bệnh viện nhi quá tải. Theo các chuyên gia, sự gia tăng số ca bệnh cúm mùa ở thời điểm này chứng tỏ virus cúm đang hoạt động bất thường. Tỷ lệ tiêm phòng cúm trong cộng đồng thấp trong vòng hơn 2 năm qua do tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến cúm quay trở lại và dễ bùng dịch nếu người dân chủ quan phòng ngừa.

Trẻ em là lứa tuổi có hệ miễn dịch còn non yếu, đặc biệt là miễn dịch hệ hô hấp, dễ bị mầm bệnh tấn công. Nếu mắc cúm và không được điều trị kịp thời, trẻ dễ gặp các biến chứng nặng như viêm phổi, hen phế quản kịch phát, suy hô hấp, co giật, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim… gây tử vong. Nếu may mắn được điều trị khỏi các biến chứng, trẻ vẫn có nguy cơ phải gánh chịu di chứng thần kinh nặng nề lâu dài như chậm phát triển thần kinh, khờ khạo, vận động kém, ảnh hưởng đến học tập và chất lượng cuộc sống sau này.

Cúm mùa chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu, do đó biện pháp phòng bệnh cúm mùa hiệu quả nhất là tiêm vaccine để tạo miễn dịch chủ động, tăng cường sức đề kháng chống lại mầm bệnh. Trẻ nhỏ được khuyến cáo tiêm vaccine phòng cúm từ 6 tháng tuổi, trẻ lớn và người lớn cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hằng năm để có được kháng thể phòng chủng cúm mới nhất theo từng năm.





Tiêm vaccine giúp trẻ tạo được miễn dịch chủ động, tăng cường sức đề kháng. Ảnh: Minh Ngọc

Tiêm vaccine giúp trẻ tạo được miễn dịch chủ động, tăng cường sức đề kháng. Ảnh: Minh Ngọc

Đối với trường hợp của con bạn, bé ít ốm vặt nên bạn chủ quan không tiêm vaccine phòng cúm cho con là quan niệm sai lầm. Trẻ cần tiêm vaccine cúm từ 6 tháng tuổi vì độ tuổi này miễn dịch có được từ mẹ đã cạn kiệt, bé bắt đầu tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nên dễ bị virus cúm từ bên ngoài xâm nhập hơn. Hiện nay, hoạt động của virus cúm đã được ghi nhận có sự bất thường, việc tiêm vaccine phòng bệnh cho bé là rất cần thiết.

Theo các khuyến cáo, trường hợp trẻ sốt cấp tính (sốt cao hơn 38 độ C), bé từng có tiền sử phản ứng, dị ứng với vaccine mới cần hoãn tiêm chủng. Do đó, nếu bé không sốt, không có tiền sử dị ứng với bất cứ thành phần nào của vaccine, bạn nên đưa con đến trung tâm tiêm chủng gần nhất để tiêm chủng. Tại Hệ thống tiêm chủng VNVC, toàn bộ khách hàng trước khi được chỉ định tiêm chủng đều phải khám sàng lọc, xác định đủ điều kiện sức khỏe mới tiến hành tiêm vaccine.

Không chỉ cúm, hiện nay là thời điểm nhiều dịch bệnh nguy hiểm vào mùa cao điểm như viêm phổi và các bệnh do phế cầu khuẩn, viêm não Nhật Bản, viêm màng não… Do đó bạn nên tìm hiểu và cho con tiêm chủng đầy đủ các vaccine để được phòng bệnh tốt nhất.

Ngoài ra, hiện thời tiết nắng mưa thất thường, bạn nên bảo vệ hệ hô hấp cho trẻ, không để hệ hô hấp của trẻ bị kích ứng, viêm nhiễm. Không thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như đi từ trong phòng lạnh ra nắng nóng ngay hoặc ngược lại; chú ý tránh môi trường ô nhiễm do khói bụi, khói thuốc lá; tạo môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ, cho trẻ; hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

BS.CKI Bạch Thị Chính
Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC

Trả lời