Trẻ giật mình – biến chứng nguy hiểm khi mắc chân tay chân miệng Leave a comment

Giật mình chới với chính là biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, phụ huynh cần lưu ý trong bối cảnh bệnh đang bắt đầu vô giai đoạn gia tăng.

Theo ThS.BS Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM, giật mình chới với là một trong ba biểu hiện nặng điển hình của tay chân miệng. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị nhiễm độc thần kinh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy…

Biểu hiện giật mình chới với ở trẻ bị tay chân miệng khá đặc biệt, không phải trẻ ngủ lăn qua lăn lại rồi khóc, mà là giật nảy mình, chới với khi đặt nằm xuống. Phụ huynh có thể nhận biết biểu hiện giật mình chới với ở con như sau:

Bé vừa ngủ thì giật nảy người, nâng hai tay hai chân, mở mắt nhìn lên rồi nhắm mắt thiu thiu. Ở tình trạng nặng, trẻ sẽ bị giật mình liên tục hoặc giật mình ngay cả lúc ngủ sâu. Nhiều trường hợp bé vừa nằm ngửa đã bị giật mình.

Trẻ giật mình ngay cả khi trẻ đang chơi đùa. Phụ huynh nên để ý số lần trẻ giật mình có tăng theo thời gian hay không. Ngoài ra, một số trẻ sẽ đi không vững như bình thường, có biểu hiện nôn, nhợn ói liên tục. Một số trẻ lại có biểu hiện rung nhẹ tay hoặc rung nhẹ thân người. Thực tế, có bé biểu hiện thở bất thường, thở mệt, ngủ li li bì không thức dậy chơi, hoặc trẻ có thể vã mồ hôi lạnh. Đó là những dấu hiệu mà phụ huynh phải mang con đi bệnh viện ngay.





Cha mẹ cần để ý các triệu chứng của trẻ để tránh biến chứng. Ảnh: Shutterstock

Cha mẹ cần để ý các triệu chứng của trẻ để tránh biến chứng. Ảnh: Shutterstock

Ngoài giật mình chới với, có hai biểu hiện nhiễm độc thần kinh do tay chân miệng mà phụ huynh cùng cần hết sức lưu tâm, đưa trẻ đến viện ngay để được điều trị kịp thời:

Ở giai đoạn rất sớm: trẻ quấy khóc nhiều, cả đêm không ngủ, khoảng 15-20 phút dậy quấy khóc 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp khiến nhiều cha mẹ nghĩ do các nốt đau miệng làm trẻ khó ngủ.

Quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể gây nhiễm độc thần kinh: trẻ sốt trên 38 độ kéo dài hơn 48 giờ không đáp ứng thuốc hạ nhiệt thông thường. Ví dụ trẻ sốt cao 39-40 độ không hạ, ngay cả khi cho trẻ uống thuốc cũng không hạ sốt đáng kể, thậm chí sau đó tiếp tục sốt cao. Nếu trẻ sốt không cao hoặc hạ sốt được, nhưng sốt quá 48 tiếng thì phụ huynh cũng nên cho trẻ đi khám ngay.

Trẻ giật mình -  biến chứng nguy hiểm khi mắc chân tay chân miệng

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa tư vấn cho phụ huynh về bệnh Tay chân miện. Nguồn: BVĐK Tâm Anh TP HCM

Bác sĩ Thoa thông tin, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ghi nhận 420 ca tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 5, tăng gấp 4 lần so với trung bình một tháng trước. Các chuyên gia dự đoán dịch có thể sẽ diễn tiến phức tạp trong năm nay, ba mẹ phải lưu ý hết sức khi chăm sóc con.

Bệnh tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột gây ra, thường gặp nhất là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh dễ dàng lây qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với những bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng

EV71 ít gặp nhưng lại gây ra những biến chứng nặng nề. Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, số trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng chủ yếu là do virus EV71 gây ra, trong đó tử vong phổ biến nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 75% – 86% trong tổng số các trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng ở trẻ em).

Tay chân miệng là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, chưa có vaccine phòng ngừa. Đa số trẻ bị tay chân miệng sẽ tự lành. Dù được xem là bệnh lành tính và có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm như: viêm màng não, viêm não, tổn thương cơ tim…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé. Trẻ tổn thương tim và khó thở, dễ diễn tiến suy tuần hoàn, có thể tử vong.

Theo bác sĩ Kim Thoa, cha mẹ cần theo dõi các triệu chứng sớm của bệnh, tránh diễn tiến nặng. Trẻ có những biểu hiện như lở miệng, loét miệng; thứ hai, trẻ nổi những sang thương (tình trạng da bị tổn thương hoặc bất thường, cụ thể ở tay chân chân miệng là những nốt phát ban, lở hoặc bọng nước) ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối hoặc khuỷu tay.

Bác sĩ Kim Thoa nhấn mạnh, có trường hợp trẻ nổi sang thương da khắp cả người, rất khó để phân biệt với phát ban. Thậm chí nổi những mụn nước rất lớn, khó phân biệt với bệnh thủy đậu. Đôi khi trẻ chỉ bị lở miệng, cha mẹ nghĩ con mọc răng vì con chỉ biếng ăn hoặc chảy nước miếng.

Phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng những biện pháp rất đơn giản, thực hiện hằng ngày như: khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; luôn rửa tay sau khi chăm sóc trẻ, thay tã, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho hay hắt hơi, khi chế biến thức ăn; ngăn trẻ chạm tay vào những nơi chưa được khử trùng sạch sẽ; làm sạch các vật dụng trẻ sử dụng hằng ngày… Đặc biệt, trẻ tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng.

Theo bác sĩ Kim Thoa, hiện tại, 50% trường hợp bệnh nhi nhập viện trong khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM mắc bệnh tay chân miệng, đa số là những bé dưới 3 tuổi. Các bác sĩ luôn có quy trình theo dõi, giám sát cụ thể để phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ, kịp thời can thiệp. Khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM quy tụ các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm khám, điều trị bệnh lý cho trẻ em. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng trang bị hệ thống trang thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn, áp dụng quy trình diệt khuẩn, chống nhiễm khuẩn đa phương pháp theo tiêu chuẩn quốc tế, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây truyền chéo cho trẻ khi đến thăm khám và điều trị.

Tuệ Diễm

Trả lời