Triệu chứng của bệnh tiểu đường ở phụ nữ Leave a comment

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có thể gặp các triệu chứng như ngứa và đau âm đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu, giảm ham muốn tình dục.

Bệnh tiểu đường loại một là một tình trạng tự miễn dịch trong đó cơ thể không sản xuất insulin do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào sản xuất insulin từ tuyến tụy. Bệnh tiểu đường loại hai là tình trạng các tế bào không thể sử dụng lượng đường trong máu (glucose) hiệu quả để tạo năng lượng. Điều này xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao theo thời gian và các tế bào trở nên không nhạy cảm với insulin.

Nhiều triệu chứng bệnh tiểu đường loại một và loại hai ở phụ nữ giống ở nam giới. Có những triệu chứng bệnh tiểu đường mà cả hai giới đều có chung như khát và đói quá mức, đi tiểu thường xuyên, giảm hoặc tăng cân, mệt mỏi, cáu gắt, nhìn mờ, vết thương chậm lành, buồn nôn, nhiễm trùng da. Sạm da ở những vùng có nếp nhăn trên cơ thể, hơi thở có mùi trái cây, ngứa ran hoặc tê ở bàn tay, bàn chân cũng là triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, có một số triệu chứng và biến chứng của bệnh tiểu đường thường gặp ở riêng phụ nữ như ngứa, đau âm đạo; nhiễm trùng âm đạo và nấm miệng. Sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans có thể gây ra nhiễm trùng âm đạo và nhiễm trùng miệng (nấm miệng). Các triệu chứng của nhiễm trùng nấm âm đạo bao gồm ngứa và đau âm đạo, tiết dịch âm đạo, đau khi quan hệ tình dục. Các triệu chứng của nấm miệng bao gồm các mảng trắng trong miệng, đỏ và đau, khó ăn hoặc nuốt, nướu hoặc má trong sưng đỏ.





Ngứa, đau âm đạo là triệu chứng của bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik

Ngứa, đau âm đạo là triệu chứng của bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có thể bị giảm ham muốn tình dục. Các vấn đề về lưu lượng máu đến vùng sinh dục có thể làm giảm phản ứng tình dục và tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh do tiểu đường) dẫn đến khô và giảm cảm giác của âm đạo.

Hội chứng buồng trứng đa nang là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nữ giới và kháng insulin. Nó có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá, tóc mỏng ở da đầu và mọc nhiều lông trên mặt và cơ thể. Mức insulin cao cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và khoảng một nửa số phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang phát triển thành bệnh tiểu đường.

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bất kỳ vị trí nào trong đường tiết niệu bao gồm niệu đạo, niệu quản, thận và bàng quang. Chúng phổ biến hơn nhiều ở phụ nữ so với nam giới và xảy ra thường xuyên hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường vì đường trong nước tiểu là nơi sinh sản cho vi khuẩn phát triển.

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường lưu ý khi có thai

Bệnh tiểu đường không ảnh hưởng đến thai kỳ nếu nó được kiểm soát đúng cách. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường nên nói chuyện với bác sĩ khi có kế hoạch thụ thai để họ có thể kiểm soát lượng đường trong máu trước khi mang thai. Chị em sẽ cần phải theo dõi và kiểm soát bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu khi mang thai.

Nếu bạn có lượng đường trong máu cao trong khi mang thai sẽ có những rủi ro cho cả em bé và mẹ như có thể dẫn đến sẩy thai, dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, sinh con sớm, con có cân nặng lớn… Bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh tiểu đường thai kỳ trong tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ vì đây thường là khi tình trạng bệnh phát triển.

Thông thường, bệnh tiểu đường thai kỳ không có triệu chứng nhưng chị em có thể gặp một số triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường như đường trong nước tiểu, thường xuyên khát nước và đói, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, nhìn mờ, buồn nôn, giảm cân, tăng nhiễm trùng, nhiễm trùng âm đạo và nhiễm trùng đường tiết niệu…

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường sẽ biến mất khi sinh em bé. Tuy nhiên, những phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai cao hơn phụ nữ bình thường. Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường thai kỳ bao gồm thừa cân hoặc béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, tiểu đường thai kỳ trước đây, thai chết lưu hoặc sẩy thai hoặc sinh con lớn, hội chứng buồng trứng đa nang… Các vấn đề với insulin hoặc lượng đường trong máu, chẳng hạn như kháng insulin, không dung nạp glucose hoặc tiền tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh tim… cũng là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường.

Kim Uyên
(Theo Medicinenet)

Trả lời