Tư thế ngủ tốt và không tốt cho người mắc bệnh tiêu hóa Leave a comment

Chọn ngủ nghiêng bên trái, tránh nằm sấp cả người xuống giường có lợi cho người mắc các bệnh đường tiêu hóa.

Khi chuẩn bị cho các tư thế tại phòng tập thể dục, bạn thường chú ý xem tư thế nào phù hợp nhất để tránh chấn thương. Mối liên hệ giữa ngủ và tiêu hóa cũng vậy. Trong khi ngủ, não và cơ thể tiếp tục hoạt động bằng cách tiêu thụ thức ăn và đồ uống, vì vậy, tư thế ngủ ảnh hưởng khá nhiều đến cách hệ tiêu hóa tiêu thụ thức ăn. Trung bình, mỗi người mất 30-72 giờ để tiêu hóa thức ăn trong ngày. Tuy nhiên, khi gặp phải các vấn đề như ợ chua, táo bón, tiêu chảy hay đầy hơi, quá trình tiêu hóa sẽ chậm hơn và gặp một số khó khăn.

Có nhiều yếu tố dinh dưỡng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, bao gồm ăn quá gần giờ đi ngủ, ăn quá nhiều, tiêu thụ thức ăn cay, uống rượu hoặc đồ uống có chứa caffein, bữa ăn giàu carbohydrate. Bên cạnh đó ngủ ít cũng có thể ảnh hưởng đến đường ruột. Thiếu ngủ có thể làm tăng 40% nồng độ cortisol trong máu, một loại hormone căng thẳng làm chậm quá trình trao đổi chất.

Để tránh xảy ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa mọi người nên biết về những tư thế tốt và không tốt khi ngủ.

Ngủ nghiêng bên trái

Mặc dù cơ thể của chúng ta có vẻ ngoài đối xứng, nhưng vị trí các cơ quan trong cơ thể nằm ở nhiều vị trí khác nhau. Ngủ nghiêng về bên trái giúp tách thức ăn và axit khỏi cơ vòng thực quản dưới, giảm nguy cơ axit trào ngược lên thực quản hơn. Ngủ nghiêng về bên trái có thể làm giảm nguy cơ ợ chua và các triệu chứng khó tiêu. Ợ chua thường gặp ở những người đang mang thai, do vậy, phụ nữ đang mang thai, nên ngủ nghiêng về bên trái vì nó giúp cải thiện lưu lượng máu và chức năng thận, đồng thời giảm áp lực cho gan trước sức nặng của tử cung.





Ngủ nghiêng bên trái tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh: Freepik

Ngủ nghiêng bên trái tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh: Freepik

Những người đang sống chung với hội chứng ruột kích thích kèm theo táo bón, hội chứng ruột lười, bệnh viêm ruột hoặc các bệnh lý đường tiêu hóa khác cũng nên chọn ngủ nghiêng vào mỗi đêm. Khi bạn ngủ nghiêng về bên trái vào ban đêm, trọng lực có thể giúp đưa chất thải đi qua đại tràng lên, sau đó vào đại tràng ngang và cuối cùng đổ vào đại tràng dưới khuyến khích bạn đi vệ sinh vào buổi sáng.

Để có thể ngủ nghiêng thoải mái, các chuyên gia khuyên bạn nên tìm một chiếc gối phù hợp với cấu trúc xương đòn. Đặt một chiếc gối chắc chắn giữa hai đầu gối để nâng hông và hỗ trợ phần lưng dưới, đảm bảo gối đủ chắc chắn để tránh bị xẹp.

Tránh ngủ ngửa

Nằm ngửa có thể được một số người ưa thích, nhưng đó không phải là tư thế tốt nhất cho người mắc chứng ợ nóng do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc trào ngược axit. Ngủ ngửa tạo điều kiện cho axit trào ngược lên cổ họng, gây ra cảm giác đau rát và khó chịu suốt đêm. Đối với người bị chứng ngưng thở khi ngủ, tư thế ngủ ngửa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và làm xấu đi các vấn đề tiêu hóa.

Nếu ngủ ngửa đã trở thành thói quen của bạn và nó thoải mái với các vấn đề về xương khớp, bạn có thể kê thêm một chiếc gối mềm dưới lưng, ngủ với tư thế dang chân, dang tay đồng thời kê cao đầu để chúng nâng đỡ đường cong tự nhiên của cổ và giữ cho cột sống thẳng hàng. Việc kê cao đầu khi ngủ sẽ có lợi cho người mắc bệnh tiêu hóa, nhất là các bệnh như trào ngược dạ dày thực quản, ợ chua.

Tư thế nằm sấp là “tối kỵ”

Nằm sấp khi ngủ là tư thế tối kỵ khi nói đến các tư thế ngủ. Theo các chuyên gia, việc nằm sấp khi ngủ tạo áp lực lớn lên các cơ quan trong cơ thể, gây khó khăn cho việc tiêu hóa. Bên cạnh đó, nằm sấp khi ngủ còn gây căng thẳng lên cột sống gây ra đau lưng và cổ.

Anh Chi
(Theo Healthline, VeryHealthWell)

Trả lời