Quảng BìnhNam sinh lớp 9 được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cấp cứu do lên cơn sợ nước sợ gió, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh dại.
Người nhà cho biết một tháng trước em bị chó cắn. Hai ngày sau đó, con chó chết, gia đình chủ quan không cho con đi tiêm phòng dại. Ngày 25/6, trong lúc chơi đá bóng, em mệt, đau nhiều ở chân từng bị chó cắn, có biểu hiện sợ gió, uống nước thì co thắt vùng hầu họng, được đưa đến bệnh viện.
Các bác sĩ nhận định bệnh nhân lên cơn dại, tình trạng bệnh rất nặng, tử vong tối cùng ngày.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Bệnh dại trên người có thể dự phòng nhờ tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau bị con vật cắn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tiêm phòng dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến suy giảm trí nhớ, thậm chí giảm tuổi thọ nên không tiêm vaccine dại khi bị chó cắn. Đến khi phát cơn dại thì không thể cứu được nữa.
Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Thời gian ủ bệnh, phát bệnh tùy người, có trường hợp vài tuần, có người vài tháng sau hoặc cả năm sau khi bị cắn mới lên cơn dại.
Các bác sĩ khuyến cáo người nuôi chó mèo cần tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ. Khi nghi ngờ người nhà tiếp xúc không an toàn với chó, mèo hoặc bị chó, mèo cào, cắn, liếm lên vết thương hở, cần đưa đi tiêm phòng dại ngay theo đúng phác đồ.
Long Nhật