U mỡ có nguy hiểm không? Leave a comment

U mỡ thường lành tính nhưng nếu xuất hiện ở những vị trí ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, chèn ép mạch máu và dây thần kinh thì cần loại bỏ.

Thạc sĩ bác sĩ Trương Hoàng Huy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết mỡ là một phần không thể thiếu của cơ thể và một người có thể có đến 50 triệu tế bào mỡ. Thông thường, những tế bào mỡ này không gây hại gì cho cơ thể nhưng khi chúng đột ngột phát triển quá mức, kích thước tăng gấp hàng nghìn lần so với bình thường sẽ hình thành u mỡ. Những khối u này tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài hoặc thậm chí là suốt đời không biến mất.

Do mỡ có mặt ở khắp mọi nơi trên cơ thể nên nơi nào có mỡ, nơi đó có thể xuất hiện u mỡ, kể cả bên trong các cơ quan nội tạng như ruột, phổi, ngực… Dấu hiệu đặc trưng của u mỡ là những khối u tròn mềm, nằm dưới da và nhìn thấy được bằng mắt thường. Khi bị chạm vào, u mỡ không đau và có thể dịch chuyển sang vị trí khác.





Phẫu thuật loại bỏ u mỡ. Ảnh: Shutterstock

Phẫu thuật loại bỏ u mỡ. Ảnh: Shutterstock

Dù u mỡ thường là lành tính nhưng nếu khối u xuất hiện ở những vị trí trọng yếu ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan bên trong cơ thể hoặc chèn ép mạch máu và dây thần kinh thì cần loại bỏ. Ví dụ, u mỡ ở gan làm giảm khả năng thải độc, u mỡ ở sâu trong họng ngực gây khó thở và khó nuốt, u mỡ chèn ép dây thần kinh đầu cổ gây đau nhức dữ dội… Ngoài ra, người bệnh có thể đề nghị được chỉ định thủ thuật nếu u mỡ ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

Theo Bác sĩ Trương Hoàng Huy, hiện nay có ba phương pháp chính để điều trị u mỡ là phẫu thuật, tiêm steroid và hút mỡ. Tuy nhiên, phẫu thuật là phương pháp được ứng dụng phổ biến nhất bởi khả năng điều trị dứt điểm, loại bỏ được cả khối u ở những vị trí khó tiếp cận. Tùy thuộc vào kích thước khối u mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thông thường hoặc tiểu phẫu.





Bác sĩ Trương Hoàng Huy trong một ca tiểu phẫu. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Trương Hoàng Huy trong một ca tiểu phẫu. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác hình thành các khối u mỡ, tuy nhiên, di truyền và lối sống được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Đối với yếu tố lối sống, chế độ dinh dưỡng không cân bằng với hàm lượng lipid trong khẩu phần ăn quá cao có thể hình thành u mỡ. Bên cạnh đó, người bệnh mắc phải hội chứng đa u lành tính (cowden) hoặc bệnh madelung (hay còn gọi là hội chứng Launois Bensaude hoặc bệnh tích tụ mỡ dưới da đối xứng có tính chất lành tính) do uống quá nhiều rượu cũng có thể phát triển u mỡ.

Ngoài các tế bào mỡ, một số u mỡ còn chứa mạch máu hoặc các mô khác như u cơ mỡ mạch thận (angiolipoma – chứa mỡ và mạch máu nên thường gây đau), u xơ mỡ (gồm mỡ và mô sợi), u mỡ nâu (hibernoma – chứa chất béo nâu, tạo ra nhiệt lượng), u mỡ tủy (chất béo và các mô sản xuất tế bào máu)…

Bác sĩ Trương Hoàng Huy khuyến cáo thêm, trong những trường hợp u mỡ tăng sinh quá mức, phát triển nhanh chóng (lớn hơn 5cm) hoặc khối u tái phát sau mổ, có dấu hiệu viêm và nhiễm trùng (sưng đỏ, đau, âm nóng vùng phẫu thuật)… thì người bệnh cần khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. Lúc này, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các chẩn đoán chuyên sâu hơn như MRI hoặc các xét nghiệm, sinh thiết để xác định bản chất khối u là lành tính hay ác tính.

Phi Hồng

Trả lời

1.4669