Uống cà phê ảnh hưởng đến não thế nào? Leave a comment

Uống cà phê lượng phù hợp có lợi cho não, giúp tinh thần tỉnh táo, tăng khả năng tập trung, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson.

Cà phê là một trong những thức uống thông dụng nhất thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tác động của cà phê với sức khỏe con người khi sử dụng trong thời gian ngắn và lâu dài.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, trong cà phê có chứa hàng trăm hợp chất sinh học có lợi cho sức khỏe. Nhiều chất trong số này là chất chống oxy hóa, ngăn chặn tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra.

Chất caffeine tác động đến hệ thần kinh trung ương theo một số phương thức. Caffeine tương tác với adenosine – một chất điều hòa giấc ngủ trong não bộ – khiến chúng ta cảm thấy hưng phấn, tập trung và tỉnh táo hơn. Khi uống cà phê, caffeine nhanh chóng được hấp thụ từ ruột vào máu. Chúng đi đến gan và bị phân hủy thành các hợp chất có thể tác động đến chức năng của các cơ quan khác nhau. Tại não bộ, caffeine liên kết với adenosine do chúng có cấu trúc hóa học tương tự nhau. Trong khi adenosine tích tụ trong cơ thể theo thời gian, nhắc nhở bạn mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi thì caffeine ngăn chặn adenosine làm việc đó. Điều này tác động đến thần kinh trung ương, khiến bạn tỉnh táo và tập trung.





Caffeine tác động đến thần kinh trung ương khiến bạn tỉnh táo và tập trung. Ảnh: Freepik

Caffeine tác động đến thần kinh trung ương, giúp bạn tỉnh táo khi làm việc. Ảnh: Freepik

Tác động đến chức năng não, trí nhớ

Caffeine có thể làm tăng tính đa nhiệm – xử lý nhiều thông tin cùng lúc – của não kể cả khi đang nghỉ ngơi.

Tính đa nhiệm của não rất quan trọng, mức độ đa nhiệm càng cao đồng nghĩa não có khả năng xử lý khối lượng thông tin càng lớn. Báo cáo khoa học do Đại học Sư phạm Hàng Châu, Trung Quốc, công bố năm 2018 cho thấy, caffeine kích thích hệ thần kinh trung ương tăng cường xử lý thông tin bằng cách thúc đẩy cơ thể giải phóng các chất truyền dẫn thần kinh như: noradrenaline, dopamine và serot.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ thư viện trực tuyến Wiley cũng ghi nhận caffeine có nhiều tác động tích cực lên chức năng của não bộ, bao gồm: tuần hoàn máu, thời gian hấp thụ, tăng cường sự tập trung, chú ý, khả năng học hỏi và khía cạnh khác về mặt tâm thần.

Năm 2021, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã đưa ra một số nghiên cứu cho thấy caffeine có thể có tác động tích cực đến trí nhớ ngắn hạn và dài hạn của con người. Trong một cuộc khảo sát, những người sau khi dung nạp caffeine sau 24 giờ có khả năng ghi nhớ hình ảnh được tốt hơn. Khả năng nhận thức được tăng cường làm cho những ký ức này khó bị lãng quên hơn.

Tuy nhiên, Viện y tế Quốc gia Mỹ cũng đưa ra một số bài nghiên cứu có nhận định trái chiều, caffeine không ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc thậm chí còn làm giảm hiệu suất của trí nhớ. Như vậy, khả năng tác động của caffeine đến trí nhớ cần được các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm. Mặt khác, cơ thể có thể tăng khả năng hấp thu caffeine theo thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ sử dụng cà phê nhiều hơn trước để đạt kết quả mong muốn. Đó cũng là lý do Viện y học Quốc gia Mỹ đã sớm cảnh báo uống nhiều cà phê không phải lúc nào cũng tốt. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã khuyến cáo người lớn chỉ nên uống 4-5 cốc cà phê (khoảng 400 miligam) mỗi ngày để tránh các tác hại có thể xảy ra.

Giảm mệt mỏi, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson

Sau khi uống cà phê, hầu hết chúng ta đều cảm thấy tràn đầy năng lượng và tinh thần tỉnh táo. Nguyên do là caffeine có thể ngăn chặn cảm giác mệt mỏi, đồng thời tạo cảm giác hưng phấn (theo dữ liệu từ thư viện trực tuyến Wiley). Tuy nhiên nguồn năng lượng này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định trước khi cạn dần. Sau đó, có thể chúng ta sẽ cần thêm một cốc cà phê khác.

Tuy nhiên, Viện Y tế Quốc gia Mỹ năm khuyến cáo thêm, nếu dung nạp một lượng lớn caffeine vào buổi chiều tối có thể làm mất giấc ngủ vào ban đêm. Do vậy, cà phê không giúp bạn xua đi mệt mỏi mà còn làm suy giảm chức năng tổng thể của não bộ, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn.

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ của nhiều người. Bệnh tiến triển chậm nhưng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, gây mất trí nhớ và làm suy yếu quá trình suy nghĩ và hành vi.

Hiện tại không có cách chữa trị bệnh Alzheime nhưng chế độ ăn uống là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Các nghiên cứu trong nhiều năm (2002-2019) do Viện Y tế Quốc gia Mỹ công bố cho thấy những người uống cà phê thường xuyên với liều lượng vừa phải có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn tới 65% so với những người khác.

Tương tự, các nghiên cứu từ Viện y tế Quốc gia Mỹ trong các năm 2002 – 2013 cho thấy cà phê có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Cụ thể, những người uống 3 cốc cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh Parkinson thấp hơn 29% so với những người khác. Tuy nhiên, với những người uống nhiều hơn lại không mang lại tác dụng tốt hơn.





Uống cà phê mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson. Ảnh: Freepik

Uống cà phê mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson. Ảnh: Freepik

Dù có khá nhiều bằng chứng củng cố luận điểm caffeine trong cà phê mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe trí não, cũng như có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh Alzheimer và Parkinson. Tuy nhiên, Viện y tế Quốc gia Mỹ lưu ý rằng không thể kết luận đạt hiệu quả 100%.

Phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc những người nhạy cảm với caffeine, đang dùng thuốc điều trị hoặc mắc bệnh lý tiềm ẩn khác nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Thuận Lê
(Theo Healthline)

Trả lời