Trà xanh chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp trung hòa các gốc tự do có thể phòng chống lại ung thư miệng, ung thư phổi.
Theo báo cáo đăng trên tạp chí Oral Oncology (Mỹ) năm 2021, các nhà nghiên cứu Mỹ đã phân tích 19 nghiên cứu với 4.675 người cho thấy, uống trà xanh có tác dụng bảo vệ và ngăn ung thư miệng. Một phân tích khác trên 51 nghiên cứu với 1,6 triệu người ở Mỹ cũng cho thấy, trà xanh giúp giảm nguy cơ ung thư phổi, nhất là ở nam giới. Tiêu thụ trà xanh có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Các bằng chứng về tác dụng của trà xanh đối với các loại ung thư khác vẫn cần được khai thác thêm.
Theo nghiên cứu trên 90.914 người ở Nhật Bản, trà xanh hỗ trợ giảm nguy cơ đái tháo đường, béo phì.. và các bệnh lý khác nhưng chưa có kết quả cho thấy mối liên hệ giữa dùng trà xanh và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư. Dù vậy, các nhà nghiên cứu đã khẳng định trà xanh an toàn cho hầu hết mọi người khi dùng vừa đủ.

Trà xanh hỗ trợ đẩy lùi một số bệnh ung thư. Ảnh: Freepik
Người mắc ung thư có thể uống trà xanh để hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện sức khỏe tổng thể. Uống trà xanh còn giúp sảng khoái tinh thần, loại bỏ độc tố trong cơ thể.
Bạn có thể dùng trà xanh túi lọc hoặc trà lá, pha với nước sôi, làm nguội xuống nhiệt độ khoảng 65 độ C. Theo tờ CNN Health (Mỹ), thức uống nóng ấm từ 65 độ C trở xuống an toàn cho mọi người dùng, có thể ngăn ngừa phát triển ung thư miệng. Người trưởng thành có thể dùng tối đa khoảng 640 ml nước trà xanh mỗi ngày. Do hầu hết các loại trà xanh có chứa caffeine, người dùng nên cân nhắc thời gian uống hoặc chọn dùng trà đã khử caffeine (trà xanh decaf). Uống nhiều trà xanh có thể gây khó ngủ, bị đau đầu, cảm thấy bồn chồn hoặc run rẩy, ngộ độc gan hoặc gây thay đổi men gan.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, trà xanh là thảo dược lành tính nhưng có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ thuốc nếu sử dụng cùng. Tuy nhiên, chất EGCG trong trà xanh cũng có thể có tác dụng tích cực với một số thuốc chống ung thư. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về lượng trà xanh cần dùng, thời gian uống.
Để phòng ngừa ung thư, bạn nên xét nghiệm tầm soát ung thư định kỳ, tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh như ăn trái cây, rau quả; duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và tránh hút thuốc.
Mai Trinh
(Theo Verywell Health, Cancer Research UK)