Ưu, nhược điểm của thắt ống dẫn tinh và đặt vòng tránh thai Leave a comment

Thắt ống dẫn tinh giúp ngừa thai vĩnh viễn, không ảnh hưởng đến chức năng tình dục của nam giới; đặt vòng tránh thai có hiệu quả 98%, chi phí rẻ hơn.

Thắt ống dẫn tinh, đặt vòng tránh thai là phương pháp phổ biến với các cặp vợ chồng nhằm thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Cả hai cách tránh thai đều có ưu, nhược điểm riêng.

Thắt ống dẫn tinh

Thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật ngoại khoa được thực hiện ở nam giới, ngăn cản tinh trùng di chuyển từ mào tinh đến túi tinh và phóng xuất ra ngoài, nhằm tránh thai vĩnh viễn. Khi quan hệ tình dục, nam giới vẫn có thể phóng ra dịch từ túi tinh bình thường nhưng trong đó không có tinh trùng.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Nguyễn Phương An, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết, thắt ống dẫn tinh giúp ngừa thai tuyệt đối với điều kiện thực hiện đúng phương pháp điều trị của bác sĩ. Sau khi thắt ống dẫn tinh, lượng tinh trùng vẫn còn sót lại trong túi tinh hoặc ống dẫn tinh. Do đó, nam giới cần tiếp tục sử dụng biện pháp tránh thai trong vòng ba tháng. Sau khi xét nghiệm tinh dịch đồ, nếu không còn tinh trùng, vợ chồng có thể quan hệ tình dục như bình thường.





Các cặp vợ chồng không có thói quen sử dụng bao cao su có thể chọn phương pháp thắt ống dẫn tinh để tránh thai. Ảnh: Freepik

Các cặp vợ chồng không có thói quen sử dụng bao cao su có thể chọn phương pháp thắt ống dẫn tinh để tránh thai. Ảnh: Freepik

Bác sĩ Phương An khẳng định, thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến ham muốn, chức năng quan hệ tình dục của đàn ông, không làm cho họ trở nên nữ tính. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm tụ máu bên trong bìu, xuất hiện u hạt tinh trùng (do tinh trùng rò rỉ từ ống dẫn tinh), nhiễm trùng hoặc đau tinh hoàn trong thời gian dài (có thể cần phẫu thuật thêm). Tuy nhiên, bác sĩ Phương An cho biết, các ghi nhận đến nay cho thấy biện pháp tránh thai này hầu như không để lại di chứng, không ảnh hưởng đến sức khỏe của nam giới. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), thắt ống dẫn tinh có thể được lựa chọn như một giải pháp thay thế đơn giản, an toàn hơn cho việc triệt sản phụ nữ.

Sau khi thắt ống dẫn tinh, nam giới có thể cảm thấy khó chịu nhẹ, sưng và bầm tím vùng bìu trong vài ngày. Bạn có thể sử dụng paracetamol để giảm đau, hoặc gặp bác sĩ nếu vẫn còn đau sau khi uống thuốc. Ngoài ra, thường có máu trong tinh dịch trong vài lần xuất tinh đầu tiên sau khi thực hiện thủ thuật triệt sản nam, nhưng điều này không có hại.

Nam giới lưu ý nên mặc quần lót bó sát hoặc thể thao 24 tiếng trong vài ngày đầu để nâng đỡ bộ phận sinh dục, giảm bớt cảm giác khó chịu hoặc sưng tấy; đồng thời, đảm bảo thay quần lót hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn nên lau khô vùng kín một cách nhẹ nhàng và kỹ lưỡng sau khi tắm; tránh chơi thể thao, khuân vác nặng ít nhất một tuần sau khi phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng. Nam giới tránh quan hệ tình dục tối thiểu 7 ngày sau khi thắt ống dẫn tinh; sử dụng biện pháp tránh thai khác trong ba tháng đầu tiên cho đến khi loại bỏ hoàn toàn tinh trùng còn sót lại trong ống dẫn tinh. Mặt khác, thắt ống dẫn tinh không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, vì vậy có thể cần sử dụng bao cao su tùy từng trường hợp.

Đặt vòng tránh thai

Đặt vòng tránh thai là phương pháp ngừa thai được thực hiện ở nữ giới bằng cách đưa một dụng cụ tử cung chứa đồng hoặc chứa nội tiết vào trong lòng tử cung. Nó có tác dụng ngăn cản rụng trứng hoặc ngăn túi thai làm tổ. Tuổi thọ của vòng tránh thai kéo dài 5-10 năm, tùy thuộc từng loại.

Bác sĩ Phương An cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ đặt vòng tránh thai chiếm cao nhất (23,7%), trong khi tỷ lệ triệt sản nam rất hiếm, chưa đến 0,1% trong các biện pháp ngừa thai. Đặt vòng tránh thai có thể thực hiện ở trạm y tế hoặc phòng khám tư nhân chuyên khoa sản, chi phí rẻ hơn, dễ tiếp cận với các tầng lớp người dân. Trong khi đó, thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật ngoại khoa cần phải đến bệnh viện chuyên khoa sản hoặc nam khoa để phẫu thuật. Hơn nữa, do phần lớn đàn ông Việt sợ bị ảnh hưởng đến chức năng tình dục nên ngại thắt ống dẫn tinh.





Bác sĩ Phương An tư vấn phương pháp tránh thai phù hợp cho khách hàng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh.

Bác sĩ Phương An tư vấn phương pháp tránh thai phù hợp cho khách hàng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh.

Đặt vòng tránh thai là biện pháp ngừa thai có hiệu quả khoảng 98%; không ảnh hưởng đến nội tiết và chức năng tình dục của phụ nữ; có thể mang thai sau khi vòng tránh thai được tháo ra. Thời điểm đặt vòng tốt nhất là 6 tuần sau sinh thường hoặc 2-3 tháng sau sinh mổ. Phụ nữ không mang thai nên đặt vòng sau 1-2 ngày sạch kinh; đồng thời tái khám sau một tháng để kiểm tra vị trí vòng và đi khám phụ khoa định kỳ từ 6 tháng đến một năm.

Phụ nữ đang mang thai; mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục không được điều trị hoặc nhiễm trùng vùng chậu; gặp vấn đề với tử cung hoặc cổ tử cung; ra máu không rõ nguyên nhân giữa các kỳ kinh nguyệt… không nên đặt vòng tránh thai. Những người có nguy cơ mang thai ngoài tử cung hoặc có van tim nhân tạo phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đặt vòng tránh thai.

Mặc dù đây là một phương pháp ngừa thai hiệu quả, nó vẫn có một số nhược điểm bao gồm: kỳ kinh nguyệt có thể bị rối loạn, kéo dài hoặc đau hơn trong 3-6 tháng đầu tiên sau khi đặt vòng; có thể bị ra máu giữa các kỳ kinh nguyệt; nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa do đưa dị vật vào buồng tử cung; tăng tiết dịch âm đạo hoặc cổ tử cung do vòng kích thích cổ tử cung. Phương pháp này cũng không bảo vệ phụ nữ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục nên có thể vẫn cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Một số phụ nữ có cơ địa viêm nhiễm hoặc tử cung quá nhỏ dễ bị tụt vòng. Phụ nữ mổ lấy thai nhiều lần có nguy cơ bị ảnh hưởng đến vết mổ. Trong một số ít trường hợp, vòng tránh thai có thể xuyên cơ tử cung hoặc thậm chí rơi vào ổ bụng, gây đau đớn hoặc đôi khi không có triệu chứng.

Bác sĩ Phương An cảnh báo, nếu vùng kín bị ngứa, khó chịu; dịch âm đạo tiết ra nhiều, có mùi hôi, màu khác lạ; đau bụng dưới kéo dài có thể là dấu hiệu viêm nhiễm âm đạo. Khi đó, bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị nội khoa trước, trường hợp cơ thể không đáp ứng điều trị thì mới phẫu thuật để lấy vòng ra. Ngoài ra, nếu có thai trong khi đặt vòng, sức khỏe của người mẹ không bị ảnh hưởng, vòng không chèn ép lên em bé. “Có một nguy cơ nhỏ là thai phụ có thể bị nhiễm trùng tại chỗ, nhưng được theo dõi trong thai kỳ. Sau khi sinh, vòng sẽ được tháo ra”, bác sĩ Phương An nói.

Châu Vũ

Trả lời