Vai trò của sụn với xương khớp Leave a comment

Sụn đóng vai trò quan trọng đối với khớp, mất sụn ở một hoặc nhiều khớp có thể gây đau và hạn chế chức năng vận động, thậm chí có thể tàn tật.

Sụn là thành phần quan trọng giúp duy trì sức khỏe xương khớp. Hầu hết các bệnh viêm xương khớp là hệ quả của việc lớp sụn bị mất đi hoặc bị bào mòn.

Cơ thể gồm ba loại sụn khác nhau: sụn hyaline, sụn đàn hồi và sụn sợi. Sụn hyalin, hay còn gọi là sụn khớp, là loại sụn quen thuộc, chúng tạo thành một lớp dày trên các đầu xương trong khớp. Sụn hyalin được tìm thấy trong các khớp, vách ngăn của mũi, khí quản và xương sườn. Sụn đàn hồi được tìm thấy trong tai, mũi và khí quản. Sụn sợi là một loại sụn dẻo dai, linh hoạt, có hai thành phần nước và chất nền gồm collagen, proteoglycans và protein noncollagenous.

Trong khi sụn là một cấu trúc có tổ chức phức tạp, mỗi loại sụn có các đặc tính khác nhau cho phép thực hiện các chức năng khác nhau. Sụn khớp rất trơn và có độ ma sát thấp, cho phép các xương trong khớp có thể linh hoạt, trơn tru khi vận động. Chúng đóng vai trò như một lớp đệm trong khớp và hoạt động như một bộ phận giảm xóc. Khi sụn bị hư hỏng hoặc mòn đi, khớp cũng bị ảnh hưởng và gây đau, cứng và hạn chế chuyển động.





Sụn khớp cho phép các xương có thể linh hoạt, trơn tru khi vận động Ảnh: Orthocarolina

Sụn khớp cho phép các xương có thể linh hoạt, trơn tru khi vận động Ảnh: Orthocarolina

Sụn có thể bị thoái hóa theo thời gian và bị tổn thương với nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể kể đến một vài nguyên nhân phổ biến: khớp phải chịu áp lực quá lớn do hoạt động sai tư thế, tăng cân nhanh quá mức, hoạt động thể thao quá sức cũng dẫn tới chấn thương và sụn khớp có thể bị mòn. Thoái hóa sụn khớp cũng có thể gây ra đau và viêm.

Khi thoái hóa khớp tình trạng nặng, sụn khớp có thể bị mài mòn hoàn toàn khiến khớp bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì không còn lớp đệm và bắt đầu cọ xát vào xương. Trong trường hợp này, người bệnh có thể bị những cơn đau đáng kể, mất cử động và mất chức năng vận động ở những khớp bị ảnh hưởng, lâu dài có thể dẫn tới tàn tật.

Tổn thương sụn khớp có thể được chẩn đoán và nhìn rõ trên phim chụp X-quang. Các kỹ thuật mới đang được thử nghiệm để phục hồi sụn khớp bao gồm: ghép xương, cấy ghép tế bào chondrocyte tự thân và tái tạo tế bào gốc trung mô nhằm phục hồi sụn khớp.

Với phương pháp ghép xương, một phần xương và sụn khỏe mạnh sẽ được lấy ra từ một khu vực và sau đó được cấy ghép sang khu vực bị tổn thương. Hiện tại, thủ thuật này được áp dụng để điều trị chấn thương đầu gối. Cấy ghép tế bào sụn tự thân là việc nuôi cấy các tế bào sụn khỏe mạnh và ghép tại vị trí chấn thương. Kỹ thuật này hiện cũng được sử dụng cho các ca chấn thương đầu gối. Quá trình tái tạo tế bào gốc trung mô vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm. Phát hiện và điều trị sớm bệnh thoái hóa khớp có thể giúp ngăn ngừa tổn thương phần sụn.

Bảo Bảo (Theo Very Well Health)

Trả lời

2.5281