Vào mùa cao điểm bệnh viêm não Nhật Bản và viêm màng não Leave a comment

Các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản diễn tiến nhanh, khó điều trị và có thể để lại di chứng lâu dài; được cảnh báo cao điểm bệnh vào mùa hè.

Giữa tháng 5, sau khi sốt nhẹ và nhức đầu kéo dài khoảng 2 ngày, con gái 10 tuổi của anh Nguyễn Thanh Đông (35 tuổi, Hà Nội), bị co giật và lơ mơ. Bé được đưa vào BVĐK Tâm Anh Hà Nội và được cấp cứu kịp thời qua nguy kịch nhưng phải điều trị kéo dài vì bị tổn thương mô não do virus viêm não Nhật Bản. Anh Đông cho biết con gái đã được tiêm một mũi vaccine ngừa bệnh viêm não Nhật Bản nhưng do 2 năm Covid-19, cả nhà chủ quan không đưa con đi tiêm mũi tiếp theo.

Trong 4 tháng đầu năm nay, theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, cả nước có 42 trường hợp bị viêm não virus. Giữa tháng 5, một bệnh viện nhi tại Hà Nội ghi nhận có khoảng 15 trẻ điều trị viêm não, viêm màng não. Từ đầu tháng 6, các bệnh viện nhi tại TP HCM cũng ghi nhận nhiều ca bệnh nhập viện điều trị viêm não, viêm màng não.





Mùa hè là cao điểm gia tăng các bệnh viêm não, viêm màng não, cần tiêm vaccine để kịp thời bảo vệ sức khỏe của trẻ em và người lớn. Ảnh: Minh Ngọc

Mùa hè là cao điểm gia tăng các bệnh viêm não, viêm màng não, cần tiêm vaccine để kịp thời bảo vệ sức khỏe của trẻ em và người lớn. Ảnh: Minh Ngọc

BS. Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết, từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, cao điểm là mùa hè, là thời gian gia tăng nhiều bệnh do virus và vi khuẩn tại Việt Nam như viêm não Nhật Bản, viêm màng não do phế cầu, viêm màng não do não mô cầu. Bên cạnh đó, viêm não còn do biến chứng của các bệnh như sởi, quai bị, tay chân miệng gây ra.

Viêm não và viêm màng não là 2 bệnh lý khác nhau. Viêm não là tình trạng các nhu mô não bị nhiễm trùng với tác nhân đa phần là do virus (phổ biến nhất là virus viêm não Nhật Bản). Trong khi đó, viêm màng não là tình trạng lớp màng bao quanh não và tủy sống bị nhiễm trùng với tác nhân do vi khuẩn hoặc virus. Cả viêm não và viêm màng não đều gây tổn thương nặng nề hệ thần kinh trung ương, với các biểu hiện như: sốt cao, co giật, suy hô hấp, hôn mê và tử vong. Bệnh nhi qua cơn nguy kịch cũng phải chịu các di chứng lâu dài.

BS. CKI Bạch Thị Chính cho biết, viêm não virus có tỷ lệ tử vong lên đến 60%, trong đó viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Trong các ca tử vong, trẻ từ 0-14 tuổi chiếm đến 75%. Có 50% trường hợp sống sót sau khi bị viêm não Nhật Bản bị tổn thương não vĩnh viễn với các di chứng về vận động và tâm thần. Virus viêm não Nhật Bản tồn tại trong cơ thể lợn, chim và truyền bệnh cho người qua muỗi Culex (muỗi ruộng) đốt. Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp đặc trị mà điều trị triệu chứng.

“Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, phụ huynh nên cho con tiêm vaccine ngay từ 9 tháng tuổi, đồng thời giữ môi trường sống thông thoáng, tránh ao tù nước đọng, diệt lăng quăng và muỗi để phòng bệnh”, BS Chính khuyến cáo.

Về viêm màng não, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết, bệnh do vi khuẩn gây ra và có nguy cơ tử vong chỉ trong 24 giờ từ lúc xuất hiện triệu chứng. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thống kê 6 loại vi khuẩn phổ biến gây viêm màng não là: phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn nhóm B, não mô cầu (Neisseria meningitidis), vi khuẩn Hib, vi khuẩn Listeria, vi khuẩn E. coli. Trong số này, 3 loại vi khuẩn đã có vaccine phòng ngừa là phế cầu khuẩn, não mô cầu và vi khuẩn Hib.

Phế cầu là vi khuẩn gây viêm màng não phổ biến ở người lớn tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi. Di chứng sau khi bị viêm màng não do phế cầu khuẩn rất nặng nề như mù, điếc, câm, liệt chi, liệt nửa người, tổn thương dây thần kinh sọ não, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh…

Trong khi đó, BS Trương Hữu Khanh – Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho biết, não mô cầu có thể gây ra bệnh lý nặng, tử vong rất nhanh, đứng thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam. Những triệu chứng của viêm não mô cầu thường xảy ra đột ngột như sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cổ cứng, có ban xuất huyết hình sao (tử ban), trạng thái lơ mơ và hôn mê.

“Não mô cầu có thể lây truyền qua đường hô hấp nên tiêm vaccine là cách phòng ngừa hiệu quả nhất. Từ tháng 6 tới tháng 10 hàng năm là thời gian bệnh do não mô cầu phát triển mạnh nhất. Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh cao là trẻ em dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên từ 10-16 tuổi”, BS. Chính cho hay.

Còn lại bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type b) gây ra, đặc biệt thường mắc ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.





Người cao tuổi có nguy cơ cao gặp nhiều biến chứng nặng khi bị viêm não, viêm màng não. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Người cao tuổi có nguy cơ cao gặp nhiều biến chứng nặng khi bị viêm não, viêm màng não. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng những bệnh viêm não, viêm màng não nguy hiểm này thì tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất. Hiện đã có vaccine Synflorix và Prevenar 13 phòng ngừa vi khuẩn phế cầu; vaccine Menactra và Mengoc-BC ngừa não mô cầu; các vaccine 6 trong 1, 5 trong 1 và Quimi-Hib có thể phòng ngừa viêm màng não do vi khuẩn Hib.

Phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine viêm não và vaccine viêm màng não sớm, đúng và đầy đủ theo lịch. Ngoài ra, để phòng bệnh, cần vệ sinh nhà ở sạch sẽ, tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng dinh dưỡng và vận động, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi và miệng bằng nước sát khuẩn.

Trước nguy cơ cao bùng phát các bệnh viêm não, viêm màng não trong mùa hè, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp với báo điện tử VnExpress tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản – các bệnh nguy hiểm ở trẻ em và người lớn” vào 20 giờ ngày 16/6/2022.
Tham gia tư vấn trong chương trình là các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và vaccine như: BS. Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa VNVC; PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội; BS. Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM.

Độc giả có thể theo dõi chương trình tại đây.

Anh Ngọc

Trả lời

1.4129