Vẹo vách ngăn mũi, trào ngược dạ dày khiến bệnh tai mũi họng trở nặng Leave a comment

Người bị vẹo vách ngăn, trào ngược dạ dày khi mắc các bệnh viêm xoang, viêm họng, viêm thanh quản dễ tiến triển nặng.

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, trong số các ca viêm xoang, viêm mũi dị ứng đến khám tại khoa Tai Mũi Họng có hơn một nửa người bệnh có thêm tình trạng vẹo vách ngăn mũi.

Ảnh hưởng của vẹo vách ngăn mũi

“Có khoảng 80% người mắc phải tình trạng vẹo vách ngăn mũi nhưng không biết về điều này. Chỉ đến khi gặp vấn đề như nghẹt mũi, khó thở, cảm cúm… thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bệnh nhân đến thăm khám bác sĩ mới phát hiện bị vẹo vách ngăn”, bác sĩ Hằng nói.





Vẹo vách ngăn mũi có thể khiến bệnh viêm xoang, viêm mũi họng tiến triển nặng. Ảnh: Shutterstock

Hình ảnh vách ngăn mũi bình thường (bên phải) và bị vẹo (bên trái), tình trạng vẹo vách ngăn mũi có thể khiến bệnh viêm xoang, viêm mũi họng tiến triển nặng. Ảnh: Shutterstock

Theo bác sĩ Hằng, phần lớn người bị viêm xoang thường gặp các triệu chứng như hắt hơi, chảy mũi, đau đầu, vướng đàm và ho (do dịch tiết của xoang chảy xuống họng gây kích ứng). Thậm chí, có người còn bị chảy máu mũi như trường hợp bệnh nhân Sâm (38 tuổi, Tiền Giang). Anh Sâm bị viêm mũi xoang kèm lệch vách ngăn, gần đây, bị chảy máu mũi mỗi khi rửa mặt. Tình trạng chảy máu mũi có thể do viêm xoang kéo dài, cùng với tác động lực tay hơi mạnh khi rửa mặt khiến cho mạch máu ở vị trí vách ngăn bị sung huyết vỡ ra gây chảy máu mũi. Nếu chảy máu mũi tái phát nhiều lần, bệnh nhân cần được nội soi tìm nguyên nhân và có thể cần chỉnh vách ngăn kết hợp đốt điểm mạch để giảm bớt tình trạng sung huyết, chảy máu mũi.

Cũng chung tình trạng vẹo vách ngăn như anh Sâm nhưng bệnh nhân Đình Hoàng (13 tuổi, TP HCM) đến khám tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM với các triệu chứng chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, đỏ mắt, chảy nước mắt, hắt hơi liên tục trong những ngày gần đây. Kết quả nội soi của bệnh nhân cho thấy tình trạng lệch vách ngăn mũi, viêm mũi dị ứng và kèm viêm VA góp phần làm tắc nghẽn cửa mũi sau và gây ra triệu chứng ở mũi nặng hơn.

Với trường hợp này, bác sĩ Hằng khuyên người bệnh điều trị theo chỉ định, kết hợp vệ sinh mũi hằng ngày bằng cách xịt rửa nước muối sinh lý; tránh các tác nhân gây dị ứng, tránh hít phải khói, bụi, phấn hoa, lông chó mèo, hơi hóa chất, bụi mạt nhà… Nhà cửa cần vệ sinh sạch sẽ, giặt chăn gối drap phơi nắng.





BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng đang phẫu thuật điều trị bệnh lý mũi xoang cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng đang phẫu thuật điều trị bệnh lý mũi xoang cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ảnh hưởng của trào ngược dạ dày

Nếu như lệch vách ngăn làm tăng mức độ khó chịu cho người mắc các bệnh lý viêm xoang, viêm mũi thì trào ngược dạ dày lại là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng viêm họng nặng và khàn tiếng kéo dài.

Chị Uyên Nhi (32 tuổi, TP HCM) làm nghề giáo viên đã mắc bệnh viêm họng hạt 5-6 năm nay. Mỗi khi nói nhiều, sức đề kháng kém hay mất ngủ thì cơn đau họng lại kéo đến. Tình trạng diễn ra lâu ngày nên chị chấp nhận “sống chung” với bệnh. Chị chỉ súc miệng nước muối vào buổi sáng sau khi đánh răng. Gần đây, chị lại xuất hiện triệu chứng đau dạ dày, không đi khám mà chỉ uống thuốc dạ dày mỗi khi thấy đau. Hiện tại, chị cảm thấy ho nhiều hơn.

Theo bác sĩ Hằng, viêm họng hạt là tình trạng viêm niêm mạc trong họng kéo dài sẽ làm nổi các hạt ở vị trí thành sau họng. Thông thường, bệnh nhân mắc các bệnh lý về mũi họng có thể dẫn đến viêm họng hạt. Ngoài ra, trào ngược dạ dày khiến dịch dạ dày trào lên họng thanh quản và gây viêm họng hạt nặng hơn. Việc sử dụng thuốc trung hòa axit dạ dày chỉ làm giảm triệu chứng đau chứ không phải là thuốc đặc trị trào ngược dạ dày.





BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng thăm khám cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng thăm khám cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Hằng khuyên, trường hợp chị Nhi nên dùng nước súc miệng sát khuẩn (Povidone-Iodine hoặc Chlorhexidine) để súc họng mỗi ngày; đồng thời chị cần nói ít hơn, nói câu ngắn, với giọng nhỏ, hạn chế la hét…

Một trường hợp khác cũng nghi ngờ do tình trạng trào ngược dạ dày gây ra là anh Minh Tâm (59 tuổi, Long An) đã bị khàn tiếng 7 tháng nay nhưng nghĩ bệnh nhẹ nên không đi khám. Mỗi sáng ngủ dậy, anh đều thấy vướng đàm ở cổ, cố gắng khạc rất nhiều lần. Anh còn có tiền sử viêm thanh quản và có dấu hiệu trào ngược dạ dày.

Qua thăm khám, bác sĩ Hằng xác định nguyên nhân khàn tiếng kéo dài do viêm thanh quản chưa được điều trị dứt điểm. Nếu tình trạng khàn tiếng kéo dài sẽ khó phục hồi lại giọng nói. Bệnh nhân bị trào ngược dạ dày cũng có thể khiến khàn tiếng nặng hơn. Anh Tâm được nội soi hoạt nghiệm thanh quản, kiểm tra chức năng của dây thanh nhằm xác định chính xác nguyên nhân để điều trị phù hợp.

“Thói quen chăm sóc sức khỏe chưa đúng cách chẳng hạn như dùng chanh chấm muối ngậm khi bị ho có thể làm tổn thương niêm mạc họng, khiến tình trạng viêm nặng nề hơn. Mọi người nên xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý trước khi xịt thuốc, chứ không nên làm ngược lại giúp làm giảm tình trạng viêm phù nề và thuốc xịt tác dụng tại mũi tốt hơn”, bác sĩ Hằng lưu ý.

Trang Hoàng

Để lại một bình luận